Ngân hàng tiêu cực, kéo VN-Index về đáy 1.230 điểm
Trong phiên hôm nay, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngân hàng nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực khiến VN-index bị trừ điểm như BID (-2,3 điểm), MBB (-1,6 điểm), CTG (-1,6 điểm), TCB (-1 điểm), ACB (-0,8 điểm), VPB (-0,8 điểm), bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng góp phần khiến VN-index giảm điểm như GVR (-2 điểm), MWG (-1 điểm) và DGC (-0,5 điểm).
Kết phiên, VN-Index giảm đến 22,83 điểm về mức 1.231,81, đồng nghĩa với việc đã thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.240.
Xét theo nhóm ngành, chỉ có công nghệ thông tin và sản phẩm cao su giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng cũng không đáng kể, chỉ nhỉnh hơn 0,6%. Phần còn lại của thị trường là 23 ngành giảm điểm, thậm chí xuất hiện hai ngành giảm trên 4% là sản xuất nhựa - hóa chất (giảm 4,75%) và tài chính khác (giảm 4,31%); 3 ngành giảm trên 3% là chứng khoán (giảm 3,26%), bán lẻ (giảm 3,09%) và nông – lâm – ngư (giảm 3,05%); 7 ngành giảm trên 2%, nổi bật có nhóm bán buôn (giảm 2,7%), vận tải – kho bãi (giảm 2,32%), ngân hàng (giảm 2,17%)…
Nhóm ngân hàng chỉ còn SSB và KLB giữ được sắc xanh, còn lại đều giảm. Trong đó, MBB giảm tới 5,2%, CTG giảm 3,7%, BID giảm 3,6%... là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến điểm số phiên hôm nay. Ngoài ra, các mã ngân hàng khác đều giảm trên 3% như OCB, MSB, TPB, STB, ACB, BVB…
Nhóm cổ phiếu hiếm hoi giữ được sắc xanh phiên hôm nay là công nghệ thông tin và cao su.
HVN của Vietnam Airlines và QCG của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục là 2 cổ phiếu gây chú ý trong hôm nay khi tiếp tục giảm sàn. Trong đó, HVN đã có phiên giảm sàn thứ 5 trong 6 phiên trở lại đây, còn QCG cũng giảm sàn 4/5 phiên gần nhất sau tin Tổng Giám đốc Nguyễn Như Loan bị bắt.
Thanh khoản thị trường ở mức gần 20.500 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng gần 300 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines "bốc hơi" hàng tỷ USD sau đợt giảm mạnh
Chốt phiên 23/7, cổ phiếu HVN tiếp tục giảm sàn về mức 22.650 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 5/6 của cổ phiếu này trong 6 phiên giao dịch gần nhất.
Chỉ trong nửa tháng, thị giá HVN đã "bốc hơi" 33% và lùi về vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Vốn hóa thị trường của hãng bay vì thế cũng giảm từ 80.500 tỷ đồng xuống gần 54.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng 26.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Trước đó, cổ phiếu HVN đã có nửa năm giao dịch tích cực khi giá cổ phiếu tăng gấp 3 lần từ đầu năm với mức giá hơn 12.000 đồng/cp lên đỉnh hơn 36.000 đồng/cp (phiên 5/7).
Giới đầu tư cho rằng đà “lao dốc” lần này của cổ phiếu HVN một phần đến từ áp lực chốt lời của các nhà đầu tư đã có lợi nhuận trước đó.
Trong quý I, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu tăng hơn 25% so với cùng kỳ lên gần 28.300 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất kể từ khi hãng chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2015. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế quý I của Vietnam Airlines đã tăng vọt lên hơn 4.400 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi thua lỗ 16 quý liên tiếp.