Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu ngân hàng: Hạ giá vẫn ế

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được gọi bằng cái tên mỹ miều “cổ phiếu vua”, tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng cũng có thời rơi vào ế ẩm, thậm chí hạ giá vẫn bán không xong.

Thị trường chưa thuận lợi, xử lý nợ xấu không nhiều cải thiện, thanh khoản thấp… là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà với việc mua cổ phần ngân hàng. Công cuộc thoái vốn của các DN Nhà nước tại các ngân hàng cũng theo đó thêm chật vật.
Trầy trật thoái vốn
Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) vừa công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN 2016. Năm 2016, tổng công ty này đã tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn tại SeABank và TPBank theo chủ trương thoái vốn các DN ngoài ngành. Theo đó, Mobifone mới chỉ thoái được một phần vốn góp tại TPBank. Phần vốn tại SeABank và phần còn lại tại TPBank vẫn ế chỏng chơ.

Mặc dù giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá, nhưng cổ phần của Mobifone tại TPBank vẫn ế. Ảnh: Nha Trang

Trước đó, ngày 25/4/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ 14.285.714 cổ phần của TPBank do Mobifone sở hữu. Mặc dù đưa ra giá khởi điểm chỉ 8.900 đồng/cổ phiếu - thấp hơn mệnh giá, nhưng cổ phần TPBank vẫn ế gần 40%. Đối với 33,4 triệu cổ phần của Mobifone tại SeABank, mặc dù cũng được chào bán với mức giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá (9.600 đồng/cổ phiếu) nhưng hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
Một ngân hàng khác cũng từng trầy trật thoái vốn là SaigonBank. Cuối năm 2015,  Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) muốn bán đấu giá 10,75 triệu cổ phiếu tại SaigonBank với giá khởi điểm 9.756 đồng/CP. Tuy nhiên, đã không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá. Mãi đến cuối năm 2016, Saigontourist và VietinBank mới thoái lui thành công vốn tại ngân hàng này.
Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), từ năm 2015, Tổng Công ty Bến Thành Sài Gòn đã phải thoái vốn nhưng hết năm 2016, nhiệm vụ này vẫn chưa thể hoàn thành. Mới đây nhất, AgriBank cũng đã có thông báo sẽ bán đấu giá toàn bộ 390.665 cổ phần tại OCB vào trung tuần tháng 3/2016 với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu.
Ngoài TPBank, SeABank, OCB, danh sách cổ phần ngân hàng ế còn có thêm nhiều cái tên như MaritimeBank, SCB…
Nhà đầu tư lo nợ xấu, thanh khoản
Thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhiều DNNN như VNPT, Mobifone… đặt ra trong năm 2017. Đại diện Mobifone lý giải, nguyên nhân DN này chưa thoái vốn thành công tại SeABank và TPBank do thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết còn thấp.
Tại TPBank, chi phí dự phòng rủi ro đang bào mòn lợi nhuận của ngân hàng này. Theo báo cáo tài chính quý III/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, TPBank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 174 tỷ đồng, cao hơn con số hơn 119 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tăng đã kéo lợi nhuận 9 tháng của TPBank xuống mức 339 tỷ đồng so với 431 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đến nay, dù báo cáo tài chính năm 2016 chưa được công bố, tuy nhiên, theo một vài thông tin “đẹp” đã được ngân hàng này công khai thì từ số lợi nhuận chưa bằng một nửa kế hoạch đặt ra đến hết tháng 9/2016, lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 của TPBank bỗng dưng lớn nhanh như thổi sau 3 tháng, đạt 707 tỷ đồng năm 2016, tăng 12.93% so với năm 2015.
Tương tự, nợ xấu tại SaigonBank cũng tăng mạnh từ mức 1,88% lên mức 2,53% sau 9 tháng 2016, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tới 75% tổng dư nợ tín dụng. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến xổ số Kiến thiết TP Hồ Chí Minh - Xí nghiệp In Tài chính có thông báo bán đấu giá lần 2 số cổ phần đang nắm giữ tại ngân hàng này với giá 9.000 đồng/CP, giảm so với mức đấu giá lần đầu hồi tháng 11/2016 là 10.000 đồng/CP.
Thực hiện chủ trương thoái vốn Chính phủ, các DN đang gấp rút chào bán cổ phần tại các ngân hàng. Dù quyết tâm nhưng công cuộc “rút chân” khỏi lĩnh vực ngân hàng từng rất có giá này được dự báo vẫn rất khó khăn. Theo các chuyên gia, thị trường chưa thực sự thuận lợi, nội tại ngân hàng nhiều vấn đề… đang là những “điểm trừ” khiến cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn. Ngoài ra, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu nhiều ngân hàng niêm yết thậm chí chỉ bằng cốc trà đá, giá giao dịch thấp, thanh khoản èo uột.