Thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào năm 2019 với sự hưng phấn cao độ của nhà đầu tư về nhận thức và niềm tin rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới, qua các số liệu thống kê về các chỉ số kinh tế như: GDP, CPI, lãi suất tín dụng hay tỷ lệ lạm phát…
Đặc biệt là sự quan tâm từ Chính phủ. VN-Index vì thế mà leo một mạch từ ngày 11/2 vừa qua đến hết phiên giao dịch ngày 18/3 (Vn-Index từ 908,67 điểm tăng lên thành 1.011,86 điểm). Sau đó VN-Index đột ngột quay đầu giảm còn 1.002,30 điểm.
TTCK vẫn ghi nhận sự tăng điểm của một số ngành như: Bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, nhựa hóa chất, vật liệu xây dựng… còn lại phần lớn các ngành đều giảm giá. VN-Index đã chìm trong “sắc đỏ”, khi nhà đầu tư rời khỏi cuộc đua bắt “đỉnh” mới. Đây không phải là dấu hiệu cho sự hoảng loạn. Nó có thể chỉ là niềm tin tăng trưởng ngắn hạn đã bị phá vỡ và nhà đầu tư bắt đầu bán ra để “chốt lời”.
Có lẽ, ngành sản xuất kinh doanh đã phải chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt VN-Index điều chỉnh giảm mạnh này, vì tác động kép. Thứ nhất là giảm theo xu hướng chung của thị trường. Thứ hai là chi phí sản xuất kinh doanh sẽ bị “đội giá” lên vì giá điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 8,36%.
Tại phiên giao dịch ngày 20/3, TTCK ghi nhận tổng số 49 mã cổ phiếu ngành sản xuất kinh doanh thì có 13 mã tăng giá, 16 mã giảm giá, 20 mã còn lại bị đứng giá. Đáng chú ý nhất là trong số 13 mã cổ phiếu giảm giá thì có đến 7 mã nằm trong “Top 10”. Đó là các mã chứng khoán như: VGT (Tập đoàn Dệt may Việt Nam - HOSE), TLG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long - HOSE), VGG (Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến - UpCOM), SAM (Công ty Cổ phần Sam Holdings - HOSE), DHC (Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre - HOSE), LIX (Công ty Cổ phần Bột giặt LIX - HOSE)…
TTCK lên hay xuống phần lớn phụ thuộc vào các điều kiện kinh doanh cơ bản. Bởi, nếu nền kinh tế đang vận hành trơn tru thì các nhà đầu tư và tư bản đầu cơ sẽ tham gia tích cực vào hoạt động giao dịch cổ phiếu. Ở thời điểm hiện tại, ngành sản xuất kinh doanh đang có cơ hội lớn để phát triển. Vì, dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng khá hơn: Mỹ tăng 2,5%, Trung Quốc tăng 6,4%, Nhật Bản tăng 0,9%, Đức tăng 1,6% là điểm sáng cho thương mại hàng hóa toàn cầu.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP mới ký kết tháng 3/2018, trong đó có Việt Nam, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho ngành sản xuất kinh doanh khai thác các thị trường mới như Úc hoặc Canada.
Tín hiệu tích cực từ thành công APEC tại Việt Nam năm 2017 khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng kỳ vọng cắt giảm tối thiểu 30 - 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của Chính phủ mang lại những đột phá về đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường DN trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, khởi nghiệp và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ngành sản xuất kinh doanh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về sự bất ổn về kinh tế thế giới khi Mỹ liên tục đưa ra các chính sách mới như đe dọa chấm dứt NAFTA, chính sách bảo hộ khi áp thuế mới đối với Trung Quốc, đặc biệt là tình hình Triều Tiên - Mỹ.
Theo báo cáo của Goldman Sachs, dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong thời gian tới, có thể sẽ làm giá USD tăng cao, lãi suất Libor tăng mạnh. Điều này tiềm ẩn rủi ro làm mất giá đồng VND, gây thiệt hại về tỷ giá khi nhập khẩu nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp dệt may.
Chẳng hạn như: Tình hình nguyên phụ liệu biến động. Giá nguyên phụ liệu bông, xơ, sợi dự báo sẽ tăng trong năm 2019, tăng chi phí đầu vào cho DN sản xuất Sợi. Các chi phí đầu vào khác tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội tính theo tổng thu nhập, chi phí điện, nước trong khi giá xuất khẩu không tăng thậm chí giảm dẫn đến lợi nhuận giảm.
Từ những phân tích trên có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, TTCK luôn là “sàn đấu” giữa những người đầu tư và đầu cơ, là sự xung đột giữa 2 dòng tiền ngắn hạn và dài hạn. Vì, mối quan tâm của nhà đầu tư là lãi suất, còn những tay đầu cơ chỉ quan tâm đến việc mua vào trước khi giá cổ phiếu tăng và bán khống trước khi giảm giá.
Phiên giao dịch hôm nay đã xuất hiện “bóng dáng” của nhiều tay đầu cơ. Nhưng nhìn vào triển vọng phát triển của ngành sản xuất kinh doanh, qua các chỉ số: P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu), ROA (lợi nhuận tên tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu)… thì thấy thấp hơn nhiều ngành khác.
Vì thế, việc tăng giá điện chỉ là cơ sở gia tăng sự lo lắng của nhà đầu tư với cổ phiếu ngành sản xuất kinh doanh mà thôi.