Phát biểu tại hội nghị Oil & Money ở London hôm 9/10, Giám đốc IEA Fatih Birol đưa ra cảnh báo giá dầu sẽ có thể tiến tới "vùng báo động đỏ" trong quý IV/2018, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhiều nước, đặc biệt tại các thị trường mới nổi.
Giám đốc IEA nhấn mạnh: "Giá năng lượng tiếp tục leo dốc mạnh đúng vào một thời điểm xấu, khi nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm đà tăng trưởng. Chúng ta thực sự cần có thêm dầu".
Theo ông Fatih Birol, nguy cơ nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn sau khi Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran cùng với sản lượng sụt giảm tại Venezuela sẽ khiến thị trường dầu tiếp tục thắt chặt hơn.
Giá dầu đã tăng từ mức hơn 30 USD/thùng hồi đầu năm lên tới 85 USD/thùng trong tháng trước. Đầu tháng này, cả giá dầu Brent và giá dầu WTI cùng đạt mức cao nhất gần 4 năm.
Đợt tăng giá này của dầu thô xuất phát từ nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran. Ngoài ra, sản lượng dầu của một số nước như Venezuela cũng đang giảm mạnh.
"Giá dầu hiện tại đang làm tổn thương người tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng, đặc biệt đối với các nền kinh tế tại khu vực thị trường mới nổi", ông Birol lưu ý thêm, đồng thời nhấn mạnh: “Những nước nhập khẩu sẽ tiếp tục chịu đựng, nhưng IEA tin rằng nền kinh tế của các nước xuất khẩu cũng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao”.
Những nhận định của lãnh đạo IEA về giá dầu được xem là có ảnh hưởng quan trọng, bởi tổ chức này giữ vai trò tư vấn cho các nước phát triển về chính sách năng lượng và điều phối việc đưa dầu dự trữ chiến lược ra thị trường toàn cầu trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, ông Birol cho biết, ở thời điểm hiện tại, IEA chưa tính đến việc sử dụng đến dự trữ dầu lửa phòng tình huống khẩn cấp. "Chúng tôi đang theo dõi sát sao biến động trên thị trường dầu mỏ. Hiện IEA chưa thảo luận về trường hợp nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, song vẫn sẵn sàng hành động nếu cần thiết”, ông Birol nói.
Giám đốc IEA cũng cho biết, ông hy vọng sản lượng dầu của Venezuela chỉ giảm xuống mức 1 triệu thùng/ngày từ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay.
Ông Birol nhấn mạnh: “Những nước nhập khẩu sẽ tiếp tục chịu đựng, nhưng IEA tin rằng nền kinh tế của các nước xuất khẩu cũng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao”.
Trong phiên giao dịch ngày 9/10, giá dầu đã chạm mức cao nhất trong 4 tuần qua, ở mức 86,74 USD/thùng sau khi có thông tin Iran giảm lượng dầu xuất khẩu dầu trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm nhiều trong tuần đầu tiên của tháng 10. Theo thống kê, Iran đã xuất khẩu 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong tuần đầu tháng 10. Trong khi đó, các lô hàng giao trong tháng 10 chỉ còn dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.
Trước đó, xuất khẩu dầu thô trong tháng 4/2018 của Iran, thời điểm trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran và thông báo tái áp đặt các biện pháp trừng phạt là 2,5 triệu thùng/ngày.