Tác động của hiện tượng Khá “Bảnh” tiêu cực đến nỗi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phải thốt lên rằng: Đây là vấn đề cực kỳ không tốt, rất nguy hiểm cho giới trẻ, những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được trong một xã hội lành mạnh.
Nhưng có lẽ ngài Bộ trưởng còn phải kinh ngạc thêm nhiều lần nữa nếu biết rằng ngoài Khá “Bảnh” vẫn còn đó những "giang hồ Youtube" như Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền... đang từng ngày, từng giờ tiêm nhiễm tư tưởng độc hại cùng lối sống buông thả, trụy lạc vào một bộ phận giới trẻ Việt qua môi trường mạng.
Vụ nữ sinh bị bạo hành ở Hưng Yên là một trong những hệ quả tất yếu khi những "giang hồ mạng" nói trên đang là thần tượng của không ít người, từ học sinh ngồi trên ghế nhà trường cho đến ngay cả người trưởng thành.
Cần phải khẳng định, các mạng xã hội như Google, Youtube hay Facebook đã dung túng cho các hành vi phạm tội, làm lan truyền vô số những tư tưởng lệch lạc trong giới trẻ Việt như hiện nay. Không khó để tìm thấy trên những mạng xã hội này các video mô tả cụ thể việc sử dụng vũ khí, chất kích thích, hành vi bạo lực, dung tục... cho đến những hướng dẫn làm thế nào để tự tử như “Thử thách cùng Momo” gây phẫn nộ trong dư luận thời gian qua.
Trong suốt những năm gần đây, phía cơ quan quản lý Nhà nước đã liên tục đưa ra yêu cầu các mạng xã hội quốc tế phải chặn đứng những nội dung tiêu cực như trên, tuy nhiên phản hồi từ Google, Youtube hay Facebook chỉ là thái độ hợp tác rất hời hợt. Các mạng xã hội này thường đưa ra các tiêu chuẩn cộng đồng của mình để biện hộ, dù chính sách của họ vi phạm quy định pháp luật của nhiều quốc gia. Chính Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm từng cho biết: Các mạng xã hội luôn tìm cách né tránh yêu cầu của phía Việt Nam, thậm chí họ còn gây sức ép qua các phái đoàn ngoại giao nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật nước sở tại.
Nhiều phương án để đưa các mạng xã hội trên vào quy củ, ít nhất là hạn chế các nội dung tiêu cực đã được tính đến như: Bắt buộc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đặt máy chủ trong nước, chặn nguồn tiền quảng cáo tử người dùng hay thậm chí là sử dụng kỹ thuật để ngăn người dùng theo dõi nội dung trái pháp luật. Song diễn biến vừa qua đã cho thấy cơ quan quản lý của Việt Nam chưa thực sự mạnh tay, chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn các trang mạng chia sẻ này lộng hành trở thành công cụ phát tán văn hóa đen gây hại cho thế hệ trẻ.
Nhìn sang Trung Quốc, nơi mà nhiều mạng xã hội nước ngoài trong đó có Facebook bị “cấm cửa”, sau nhiều năm đất nước này đã sản sinh ra một thế hệ trưởng thành không cần Facebook, thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của các trang “made in China” như: Mạng xã hội Weibo, công cụ tìm kiếm Baidu, ứng dụng nhắn tin WeChat... Rõ ràng, thái độ cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với các mạng xã hội nước ngoài đã đem lại hiệu quả tích cực khi đảm bảo được chủ quyền không gian mạng cũng như sự an toàn của người dùng internet tại quốc gia này.
Nên chăng chúng ta có thể học theo cách làm của Trung Quốc, yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài chấp nhận “chơi” theo luật của Việt Nam. Đồng thời yêu cầu các DN có trách nhiệm hơn đối với các quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội, không chấp nhận đăng tải các quảng cáo của mình trên các clip bẩn, qua đó cắt đi nguồn sống của các “giang hồ trên mạng”.