Mắc bẫy doanh nghiệp?
Vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL ra 3 văn bản yêu cầu Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các đơn vị truyền thông tháo dỡ quảng cáo có in thông điệp trên; đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Ngay sau khi có thông tin trên, báo chí, mạng xã hội liên tục bình luận, tìm nguyên nhân tại sao việc sử dụng từ thông điệp “Mở lon Việt Nam” phải gỡ bỏ. Sự việc được đẩy lên đến mức, cổng thông tin của Bộ VHTT&DL phải đăng tải ý kiến của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hướng lý giải: “Việc gắn chữ “lon” như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy”. Đại diện Cục Văn hóa cơ sở cũng chia sẻ quan điểm thông cảm với DN nước ngoài vì xây dựng một slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng trong sử dụng tiếng Việt, chưa tìm hiểu cũng như được tư vấn kỹ càng, phù hợp về từ ngữ, văn phong trong văn hóa Việt.Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã có công văn phản hồi Bộ VHTT&DL, bước đầu khắc phục sai sót. Thế nhưng, câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao một thông điệp với từ ngữ bình thường lại tốn giấy mực, công sức của cơ quan báo chí, truyền thông đến vậy? Chỉ sau 3 ngày thông tin rầm rộ, khi tìm kiếm cụm từ “Mở lon Việt Nam” trên Google đã có 195 triệu kết quả với vô số hình ảnh thương hiệu Coca-Cola tràn ngập. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng nguyên nhân là do “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nhưng cũng có nhiều ý kiến hoài nghi: “Bộ phận PR cũng cố tình dùng từ lon để chơi chữ và đơn vị quản lý, truyền thông đã mắc bẫy”.Khó quy chụp phản cảmCâu chuyện vừa qua của Coca-Cola khiến nhiều người liên tưởng đến việc các đơn vị kinh doanh lợi dụng scandal để quảng cáo hình ảnh, đây cũng không phải là hiện tượng xa lạ ở Việt Nam. Năm 2011, thương hiệu máy lọc nước Kangaroo bị người hâm mộ bức xúc, thậm chí tẩy chay sau khi chọc tức người xem bằng câu sologan “Kangaro - Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” được nhắc đi nhắc lại 30 lần. Tháng 4 vừa qua, hình ảnh chụp quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi tương ớt Chinsu của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) ở siêu thị Lotte Liễu Giai (Hà Nội) được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khi mô phỏng hình ảnh Lăng Bác. Dù phải chịu nhiều phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội nhưng rõ ràng, tất cả các thương hiệu trên, sau khi có hiệu ứng truyền thông đều nhanh chóng nổi tiếng, để lại ấn tượng trong công chúng. Dù có hay không bị xử lý vi phạm, DN vẫn vui vẻ xin lỗi.Trở lại câu chuyện của Coca-Cola và cụm từ “Mở lon Việt Nam”, nguyên nhân việc yêu cầu gỡ quảng cáo do thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt đều là khái niệm chung chung. Theo Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam Phạm Văn Tình: “Xưa nay, không có ai nghĩ từ này là tục cả, có thể từ này có nguồn gốc từ nước ngoài, dân gian dùng bình thường. Vì thế, đừng vội vàng kết luận là tục hay vi phạm thuần phong gì cả. Từ “lon” mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt)”. Còn theo nhà văn Đỗ Phấn, việc dùng từ “lon” trong tiếng Việt là hết sức bình thường, không tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế, người làm văn hoá đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên".Do vậy, để tránh việc có những văn bản gây ngạc nhiên dư luận, cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể về thông tin quảng cáo, tránh mập mờ, gây hoang mang truyền thông và dư luận.