|
Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải |
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, đối tượng của cơ quan thuế và BHXH khác nhau. Cơ quan thuế theo dõi đầu mối DN, còn cơ quan BHXH theo dõi đến từng cá nhân người lao động, suốt cả cuộc đời cho đến khi chi trả lương hưu và đến lúc chết thì chi trả tiền tuất. “Thu thuế chỉ có một quy trình, trong khi đó thu BHXH có từ 8 - 9 quy trình như tư vấn, hướng dẫn, lập danh sách, xét duyệt, thẩm định và chi trả chế độ. Như vậy, không thể nào chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang Thuế thu được. Cải cách là rất tốt, nhưng phải thận trọng, tránh để đưa vào Luật rồi khó thực hiện, lại phải sửa” - bà Minh nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, không nên hợp nhất cơ quan thuế và BHXH, vì thuế thu cho ngân sách, còn BHXH thu cho người lao động tích cóp về sau. Nếu hợp nhất, cũng chỉ thu xong rồi chuyển tiền cho BHXH quản lý, như vậy không cần hợp nhất, chỉ cần thêm chức năng cơ quan thuế thu hộ BHXH. Tương tự, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp bày tỏ, hiện nay, đa số các quốc gia vẫn thực hiện thu thuế và BHXH theo 2 cơ quan riêng biệt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Do đó, cần phải xem xét kỹ phương án này, bởi chỉ có cơ quan BHXH mới theo dõi được lịch sử tham gia BHXH của người lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các DN luôn có 2 sổ lương, một sổ lương DN kê khai đóng BHXH với số tiền rất thấp, một sổ lương khác DN thực trả cho NLĐ cao hơn rất nhiều, thông qua nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau để giảm trừ thuế. Do đó, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính, phải tiến tới liên thông kết nối thông tin thu thuế và BHXH để thu BHXH theo tiền lương DN kê khai thuế. Khi đó, DN quyết toán chi phí lao động bao nhiêu sẽ phải đóng BHXH bấy nhiêu, tránh tình trạng 2 sổ lương như trên.