Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thật sự thiếu người?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách nhìn “thiếu người, khó quản” xuất hiện nhiều nhất ở ngành y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi các bộ phận cấp phép đầu tư cho giai đoạn hậu kiểm, ngành môi trường…

KTĐT - Cách nhìn “thiếu người, khó quản” xuất hiện nhiều nhất ở ngành y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi các bộ phận cấp phép đầu tư cho giai đoạn hậu kiểm, ngành môi trường…

Không biết do đâu, trong một thời gian ngắn gần đây, nhiều người đứng đầu các bộ, ngành liên tục lên tiếng than phiền họ không có đủ nhân lực để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước. Thật ra đây không hẳn là lời than phiền mà đúng hơn là lời biện minh cho việc bộ, ngành đó không bao quát hết mọi doanh nghiệp hay đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của họ; nếu có xảy ra sai sót là vì họ không tài nào “quản” được nếu chỉ tính trên số lượng phải quản lý.

Ví dụ, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với đội ngũ thanh tra hiện nay của bộ thì để kiểm tra hết 400 trường đại học trên cả nước, phải mất hơn ba năm rưỡi. Hay Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chỉ có 35 người mà quản lý 709 cơ quan báo chí, nếu mỗi ngày có một tờ đưa thông tin sai thì “bộ máy này chạy suốt ngày vẫn chưa xong”.

Cách nhìn “thiếu người, khó quản” này xuất hiện nhiều nhất ở ngành y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi các bộ phận cấp phép đầu tư cho giai đoạn hậu kiểm, ngành môi trường…

Đây là cách tiếp cận vấn đề không bao giờ có lời giải. Bộ máy nhà nước không thể cứ phình to ra theo mức độ phát triển kinh tế, gia tăng dân số hay mức độ đô thị hóa. Quản lý nhà nước là một nghệ thuật, trong đó các phương pháp quản lý luôn phải được nghiên cứu dựa trên thành tựu của các ngành khác, kể cả tâm lý học, kinh tế học và thậm chí tội phạm học.


Quan trọng hơn, quản lý nhà nước chỉ thành công khi biết dựa vào sức mạnh của công luận, tính công khai, minh bạch và sự kiểm soát lẫn nhau giữa những đối tượng được quản lý. Không thể chỉ dựa vào chuyện thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc tuân thủ các quy định quản lý.

Lấy ví dụ, giả sử ngành giáo dục có quy định cơ sở giảng dạy ngoại ngữ chỉ được tuyển dụng giáo viên người nước ngoài có bằng cấp chuyên môn, làm sao ngành giáo dục một tỉnh có đủ nhân lực để kiểm tra được hàng trăm cơ sở giảng dạy ngoại ngữ làm đúng quy định này hay không.

Cách hay nhất là công bố rộng rãi quy định đồng thời yêu cầu các cơ sở này niêm yết danh sách giáo viên kèm theo bằng cấp của họ. Chính học viên, một khi đã biết quy định, sẽ là người thay mặt ngành kiểm tra sát sườn xem nó có được tuân thủ hay không. Các cơ sở khác cũng sẽ là người giám sát cơ sở đang cạnh tranh xem có vi phạm hay không.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng cách áp dụng ở ngành khác cũng tương tự. Đương nhiên bộ máy thanh tra cũng phải làm việc nhưng theo cách ngẫu nhiên hay do có nghi ngờ và đi kèm là mức phạt thật nặng để những đối tượng khác sẽ chùn tay không dám vi phạm trong trường hợp tương tự.

Chính sự bao biện, có thể nhằm giảm bớt trách nhiệm quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp đã khích lệ sự vi phạm pháp luật ở nhiều nơi.

Quản lý nhà nước hiệu quả là tạo một môi trường trong đó người ta nếu làm sai pháp luật thì cái giá phải trả cao đến mức rủi ro là quá lớn thì không cần nhiều thanh tra vẫn có thể thúc đẩy việc tuân thủ nghiêm túc. Vai trò của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước là xây dựng được một môi trường như thế chứ không phải tìm ngân sách, tuyển thêm người.