Nhức nhối tình trạng trục lợi bảo hiểm
Hiện nay trục lợi bảo hiểm diễn ra trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu…, tại hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đang hoạt động tại Việt Nam.
Các chuyên gia ngành bảo hiểm đánh giá, trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến, lây lan nhanh. Một tai nạn xảy ra hoặc một người đau ốm thương tật nằm viện chưa mua bảo hiểm có thể được những người khác (gara sửa chữa ô tô, bác sĩ điều trị…) hướng dẫn cho cách hợp thức hóa để được bảo hiểm, hoặc đã mua bảo hiểm thì hướng dẫn cho cách được bồi thường nhiều tiền hơn trên cơ sở hai bên cùng có lợi...
"Tỷ lệ trục lợi bảo hiểm càng cao thì hiệu quả kinh doanh của DNBH càng thấp. Nếu muốn đủ tiền bồi thường thì DNBH phải tăng phí bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Hậu quả lâu dài làm người tham gia bảo hiểm mất lòng tin vào DNBH và một số chính sách bảo hiểm lớn của nhà nước như: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm khai thác hải sản…, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường", các chuyên gia khuyến cáo.
Theo cơ quan quản lý về bảo hiểm, ước tính mỗi năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho các DNBH, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Có những DNBH có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ/năm.
Nhiều DNBH cố gắng ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm bằng nhiều giải pháp khác nhau, tuy nhiên hiệu quả không cao do pháp luật chưa có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, theo đó, số vụ trục lợi hàng năm không giảm. Cơ quan quản lý về bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và lãnh đạo các DNBH đã nhiều lần kiến nghị luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm nhằm bảo vệ lợi ích của người mua bảo hiểm và DNBH.
Sẽ luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm
Chia sẻ tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015 mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết, hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì 2 đạo luật quan trọng là Bộ luật Dân sự sửa đổi và Bộ luật Hình sự sửa đổi, đang được lấy ý kiến rộng rãi. Tại Bộ luật Dân sự sửa đổi, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ đã đồng ý đưa phần chế định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật, chỉ để luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh.
Còn với Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Tư pháp cũng đã tiếp thu đề xuất của Bộ Tài chính và bổ sung một nội dung mới, đó là coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù.
“Đây sẽ là những quy định cần thiết tạo cơ sở pháp lý, công cụ hữu hiệu nhằm phát triển thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần thực thi cũng như giám sát việc thực thi luật cho tốt, nếu không pháp luật cũng chỉ trên giấy”, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh./.
Ảnh minh họa.
|
Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm tại Điều 223, Bộ luật Hình sự sửa đổi ghi rõ: - Người nào thực hiện một trong các hành vi như: Làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm…, có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. - Phạm tội có tổ chức; trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…, thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 lần số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. - Trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm..., thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. |