Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 10 năm vẫn được hưởng lương hưu?

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 27/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội lần đầu tiên đã đưa ra thảo luận trực tiếp về vấn đề bảo hiểm xã hiểm với 267 ý kiến thảo luận tại Tổ và nhiều ý kiến thảo thuận toàn thể trực tuyến góp ý về nội dung này. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu tiếp thu và lắng nghe một cách cầu thị.

  Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 

Đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trí tuệ của các vị ĐBQH, Bộ trưởng tin tưởng rằng sau Kỳ họp này, sẽ có những bước phát triển mới về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong triển khai và phát triển các chính sách bảo hiểm xã hội. “Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chính sách an sinh xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, mặc dù tại Việt Nam vấn đề bảo hiểm xã hội còn non trẻ, mới bắt đầu từ năm 1995 nhưng đến nay, chúng ta đã có bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và cơ bản đáp ứng, phù hợp với thông lệ quốc tế. “Chúng ta đã triển khai 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội.

Đến nay, Quỹ Bảo hiểm xã hội đã thực sự trở thành Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất bên cạnh ngân sách nhà nước. Quy mô Quỹ thời gian qua có một bước phát triển rất nhanh, hết năm 2020 quy mô đầu tư quỹ đã tăng gấp nhiều lần ; tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước 20%”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Đối với các Quỹ ngắn hạn, Bộ trưởng nêu rõ, về cơ bản vừa đáp ứng được các mục tiêu các chính sách nhưng đến nay, kết dư tương đối an toàn. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn thời gian vừa qua nhất là ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và chủ sử dụng lao động, sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5  Nghị quyết và các Quyết định có liên quan. Trong đó, có nhiều chính sách  liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư và các Quỹ bảo hiểm xã hội,…

Theo Bộ trưởng, kết quả đó đã thực sự đem lại những ý nghĩa thiết thực và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội thực sự đến nay đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động.

Cầu thị và lắng nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế thời gian qua trong triển khai chính sách bảo hiểm xã hội và thời gian tới tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật việc làm; thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm.

Thứ hai, tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như đại biểu Quốc hội đã nêu: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng;  sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 10 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng;  tiến tới phát triển bền vững; điều chỉnh hưởng chính sách 1 lần; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn bền vững và hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ trên, trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội sẽ tập trung đổi mới, tuyên truyền để người lao động khi bước thị trường lao động hiểu và đồng tình tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động như kinh nghiệm các quốc gia phát triển đã thực hiện.

Bên cạnh đó, sử dụng các Quỹ ngắn hạn đúng mục đích; tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tăng cường vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới khâu tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội 3 vấn đề lớn: (1) Tăng cường giám sát, kiểm tra triển khai chính sách; (2) Giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao đông gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và các yếu tố rủi ro; (3) Đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung vào trong Kết luận của phiên họp, Nghị quyết phiên họp một số nội dung kết luận làm căn cứ để Chính phủ triển khai.