Có thể đưa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 mới vào dạy ngay: Giáo viên lo lắng

Lưu ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho rằng, bộ sách Cánh diều kế thừa sách giáo khoa (SGK) hiện hành nhiều nên giáo viên (GV) có thể đưa vào dạy được ngay.

Không cần tập huấn

Bộ GD&ĐT đã công bố các SGK lớp 1 được chọn để các địa phương đưa vào giảng dạy trong năm học 2020 - 2021 theo Chương trình GDPT mới.

Theo đó, SGK lớp 1 được thiết kế và biên soạn theo hướng cải tiến, đáp ứng những yêu cầu phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT mới là phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh (HS).

Là chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, bộ sách sẽ tập trung phát triển những năng lực đặc thù cho HS mà chủ yếu là năng lực ngôn ngữ và phát triển 4 kỹ năng gồm đọc, viết, nói, nghe; Ngoài ra cũng chú trọng phát triển những năng lực chung như tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

GS Thuyết khẳng định: "Nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều sẽ thấy sự kế thừa SGK hiện hành nhiều, do đó tin chắc rằng các thầy cô đang dạy lớp 1 hiện nay khi sử dụng bộ sách có thể dạy được ngay hoặc không tập huấn nhiều bởi tính kế thừa”.

Nhiều GV cho rằng khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết khá chủ quan. Thực tế, HS phải học 2 âm vần mới với nhiều từ khóa mở rộng. Buổi sáng học 2 tiết Tiếng Việt, 1 tiết ôn tập, buổi chiều ôn lại bài học buổi sáng. Tâm lý lo lắng cũng khiến phụ huynh đăng ký lớp học thêm cho con hay trước đó học hè.

Một GV tiểu học (xin giấu tên) tại quận Hoàn Kiếm bày tỏ: Dù lịch học như vậy nhưng có em vẫn không đọc thông. Chưa nhớ âm vần cũ, HS đã phải tiếp cận âm vần mới. Đó là lý do tại sao sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành được xem là khá nặng với HS.

Với hy vọng của nhiều GV là Chương trình mới sẽ giảm tải để HS không còn căng thẳng. Tuy nhiên, theo thầy Thuyết, sách Tiếng Việt mới sẽ kế thừa sách hiện hành, đúng phần nội dung kiến thức nặng nhất. Cụ thể, quy trình dạy từ khoá, phân tích đánh vần từ khoá, dạy chữ và ứng dụng. SGK mới là có sự khác biệt phần luyện đọc tổng hợp, mỗi lần dành 2 tiết tự đọc sách. Do chưa “cầm” sách mới trên tay, GV lo lắng 2 tiết tự đọc của HS lớp 1 sẽ ra sao?

Hơn nữa, SGK mới sẽ giảm tải cho HS những kiến thức quá tải, vậy mà đưa kiến thức lớp 2 xuống dạy ở lớp 1 thì có phải là giảm tải hay càng tạo độ khó cho HS? Từ thực tế dạy học, nhiều GV lo lắng cho HS hơn vì chương trình sẽ nặng, khiến các em “mất ăn, mất ngủ”.

Theo chia sẻ của Ban soạn thảo Chương trình tổng thể, Chương trình môn học và các tác giả SGK thì sẽ giải quyết được những hạn chế của chương trình hiện hành. Tuy nhiên, để biết có đúng hay không thì GV và HS còn phải chờ.

Sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành và sách mới có gì khác nhau?

Gần một năm nữa, Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai và cũng như các môn học khác, môn Tiếng Việt lớp 1 sẽ thay đổi. Và nội dung của các cuốn SGK mới luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt, sự khác nhau giữa SGK Tiếng Việt lớp 1 hiện hành và sách mới.

Trả lời vấn đề này, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên 2 bộ sách Tiếng Việt mới là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo cho biết, môn Tiếng Việt lớp 1 hiện hành có thời lượng dạy học nhiều nhất, còn trong Chương trình GDPT mới, môn học này chỉ chiếm gần 50% thời lượng dạy học của lớp 1.

“Sự khác biệt quan trọng nhất giữa sách Tiếng Việt mới so với SGK hiện hành là sách Tiếng Việt lớp 1 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ làm cho việc học Tiếng Việt hấp dẫn và thú vị, giúp HS phát triển tốt kỹ năng đọc, viết, nói, nghe” - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho hay.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng tin rằng cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 sẽ phát huy được tác động qua lại giữa động lực học tập và kết quả học tập của HS, kích thích tính ham học, sáng tạo, kết nối tri thức với cuộc sống, mang lại niềm vui cho HS.