Indonesia hiện là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới nhưng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này có thể phải nhập khẩu than vào thập niên tới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước ngày càng tăng.
Công nhân Indonesia băng qua đống than đá ở mỏ than Tambang Batubara Bukit Asam ở Nam Sumatra. (Nguồn: EPA)
Giám đốc công ty than quốc doanh PT Perusahaan Listrik Negara (PLN) Helmi Najamuddin cho biết năm 2012 Indonesia đã xuất khẩu 305 triệu tấn than, trong khi chỉ tiêu thụ trong nước 67 triệu tấn, chiếm 18% tổng sản lượng cùng kỳ.
Tuy vậy, theo PLN, nhu cầu than trong nước sẽ tăng mạnh trong những năm tới và Indonesia có thể phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu này. Trong đó, trước mắt trong năm tới Indonesia sẽ cần 67,8 triệu tấn than để sản xuất điện trong năm 2014, và con số này sẽ tăng lên 101,4 triệu tấn năm 2017 và 125,7 triệu tấn năm 2020.
Theo tổ chức nghiên cứu năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie, có trụ sở tại Edinburgh (Scotland), Indonesia chỉ chiếm 3% trữ lượng than thế giới nhưng quốc đảo này lại là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới.
Hiệp hội khoáng sản quốc gia Indonesia cho biết trữ lượng than của nước này ước khoảng 20 tỷ tấn, thấp hơn nhiều so với các nước khác như Trung Quốc với 115 tỷ tấn và Australia 76 tỷ tấn.
Năm nay, Indonesia áp dụng chính sách tiêu thụ thực tế trong nước (DMO), theo đó đặt ra hạn ngạch khai thác than ở mức 74,2 triệu tấn, giảm 9,4% so với mức 82,02 triệu tấn năm 2012.
Ông Helmi nói rằng chính phủ không nên hạ thấp hạn ngạch than tiêu dùng trong nước vì chính sách này chỉ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu than ngày càng tăng. Hơn nữa, chính việc chính phủ không đánh thuế xuất khẩu đối với các nhà sản xuất than đã khuyến khích các công ty khai thác bán than ra nước ngoài.
Trước phàn nàn của PLN, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia giải thích rằng chính sách DMO nhằm để đảm bảo nhu cầu trong nước đối với than chưa được khai thác.