KTĐT- Hiện Coca-Cola đang nắm giữ 34% cổ phần trong Coca-Cola Enterprises (CCE), trị giá 3,4 tỷ USD. Trong thương vụ hoán đổi tài sản, hãng đồng thời sẽ phải gánh luôn khoản nợ 8,88 tỷ USD của CCE.
Ngày 25/2, Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola đã tiết lộ kế hoạch mua lại Coca-Cola Enterprises - công ty chuyên đóng chai lớn nhất cho tập đoàn này tại thị trường Bắc Mỹ với thỏa thuận tổng giá trị có thể đến 13 tỷ USD, nhằm sản xuất các loại đồ uống mới phù hợp với thị trường.
Động thái này xuất hiện chỉ vài ngày trước khi đối thủ chính của họ, tập đoàn Pepsi, dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận tương tự nhằm hợp nhất hoàn toàn hệ thống phân phối.
Hiện Coca-Cola đang nắm giữ 34% cổ phần trong Coca-Cola Enterprises (CCE), trị giá 3,4 tỷ USD. Trong thương vụ hoán đổi tài sản này, hãng đồng thời sẽ phải gánh luôn khoản nợ 8,88 tỷ USD của CCE.
Cùng với đó, Coca-Cola sẽ bán lại các dây chuyền đóng chai tại Na Uy và Thụy Điển cho CCE với giá 822 triệu USD. CCE cũng có quyền mua lại 83% cổ phần dây chuyền đóng chai của Coca-Cola tại Đức. Nếu kế hoạch này thành công, Coca-Cola sẽ kiểm soát hơn 90% tổng khối lượng sản phẩm tại thị trường Bắc Mỹ.
Hồi tháng 8 năm 2009, Pepsi cũng đã thông báo thỏa thuận trị giá 7,8 tỷ USD mua lại hai công ty đóng chai lớn nhất của họ tại khu vực này.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent nói: "Cấu trúc hệ thống mới của tập đoàn tại Bắc Mỹ sẽ tạo ra hệ thống kết hợp kinh doanh tuyệt vời, đem lại lợi nhuận khổng lồ trong hoạt động kinh doanh đồ uống không cồn."
Trong khi đó, Chủ tịch CCE John Brock khẳng định thỏa thuận sáp nhập sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh cho hãng, duy trì phát triển ổn định tại thị trường châu Âu và đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của CCE và các cổ đông.
Tại thị trường Mỹ, giới tiêu dùng đang có xu hướng chuộng các sản phẩm như nước hoa quả và trà. Bởi vậy Coca-Cola và Pepsi đều muốn giành quyền kiểm soát thị trường phân phối sản phẩm để sản xuất loại đồ uống của mình và ấn định giá mà họ muốn./.