Đầu tiên là chiến thắng 5 - 2 trước CHDCND Triều Tiên. Tiếp đó, dù phải làm khách tại Indonesia nhưng thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn có được trận hòa 2 - 2. Bội thực với những lời khen ngợi, nhiều người lo ngại rằng Đội tuyển sẽ đối diện với cái bẫy tâm lý nguy hiểm.
Bơi trong lời khenChiến thắng trước Đội tuyển CHDCND Triều Tiên và trận hòa với Indonesia bằng đội hình dự bị khiến bầu không khí bóng đá Việt Nam bỗng chốc trở nên sôi động. Các cầu thủ nhận được sự tung hô từ dư luận. Bản thân ông Thắng cũng nhận được vô khối lời khen ngợi. Người ta ngay lập tức dành cho ông những lời có cánh. Họ không quên so sánh nhà cầm quân này với người tiền nhiệm Miura ở khả năng xây dựng lối chơi phù hợp với Đội tuyển Việt Nam và nhìn người. Người ta phân tích rằng, lối chơi mà ông Thắng áp dụng cho Đội tuyển là thích mắt và hiệu quả hơn so với những gì HLV Miura đã làm.
Đỉnh điểm của mọi sự so sánh giữa ông Thắng và ông Miura chính là việc trọng dụng các cầu thủ HAGL. Ông Miura “nói không” thì bị chỉ trích là không có nhãn quan chiến thuật. Ông Thắng với việc dành sự ưu tiên hàng đầu cho các cầu thủ của bầu Đức thì được đánh giá cao. Tất nhiên, phải khẳng định là cho đến thời điểm này, thông qua một số trận đấu giao hữu, niềm tin của HLV Hữu Thắng đã được các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn đáp ứng. Và đó cũng là cơ sở để nhà cầm quân này nhận được sự tung hô trong giai đoạn đầu chuẩn bị cho AFF Cup.Không được “rời mặt đất”Là một người từng trải, ông Thắng hiểu thế nào là sự nguy hiểm của những viên “kẹo bọc đường”. Nhà cầm quân này đã gửi lời cảnh báo đến các học trò và cũng nhờ cậy báo chí không tung hộ họ. Hơn ai hết, ông Thắng hiểu rằng, nếu đôi chân không ở trên mặt đất thì Đội tuyển Việt Nam sẽ đánh mất sự kiểm soát và cố gắng trong tập luyện.HLV Hữu Thắng không muốn đội bóng của mình tự mãn với những thành công ban đầu. Ông cố gắng để các học trò tránh khỏi sự quan tâm đôi khi thái quá của giới truyền thông. Nhưng có một điều mà bản thân nhà cầm quân này không thể kiểm soát đó chính là sự chia rẽ trong cách đánh giá của dư luận về thành phần của đội bóng. Người ta mặc nhiên thừa nhận hai bộ phận cấu thành lên Đội tuyển là các cầu thủ thuộc lò HAGL và phần còn lại. Một khi các cầu thủ HAGL thi đấu, rất đông dư luận tung hô, còn khi họ không thi đấu, bất luận màn trình diễn của Đội tuyển thế nào thì cũng bị chê là thiếu sức sáng tạo.Bên cạnh đó, dư luận dường như đang cho rằng, các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… phải là những người đá chính và có khả năng gánh vác sứ mệnh lịch sử. Họ không quan tâm xem các cầu thủ này có phù hợp với tính toán của HLV trưởng hay không. Đó là chưa kể đến việc, một đội bóng không thể thành công với một đội hình, dù đội hình ấy có những cầu thủ xuất sắc đến thế nào.
Ca ngợi quá nhiều những cầu thủ trẻ có thể khiến họ tự mãn. Nhưng, điều khiến giới chuyên môn lo ngại nhất chính là khoảng cách giữa các cầu thủ HAGL và phần còn lại của Đội tuyển. Mà ai cũng biết, cái phần còn lại ấy bao gồm nhiều cầu thủ tài năng và dạn dày kinh nghiệm trận mạc. Thật nguy hiểm nếu họ tự ái hoặc không muốn cộng tác với những cầu thủ vốn đang được dư luận khen ngợi với những mỹ từ đẹp nhất.