Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi tham nhũng như tội phản quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xử lý nghiêm tội phạm chống tham nhũng, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt là tài sản của lãnh đạo cơ quan, đơn vị là những nội dung được các ĐBQH thảo luận tại hội trường ngày 9/11 về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Coi tham nhũng như tội phản quốc - Ảnh 1
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường.Ảnh: TTXVN
 
 
Minh bạch tài sản, thu nhập

Hầu hết các ĐB đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ (UBTVQH) khi cho rằng, việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kê khai, minh bạch tài sản mới chỉ là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng rất thấp. ĐB Nguyễn Minh Kha (đoàn Cần Thơ) cho rằng: "Việc kê khai tài sản gần như không có tác dụng", còn ĐB Trần Văn Độ (đoàn An Giang) đề nghị, bên cạnh việc kê khai minh bạch, cần khẩn trương kiểm soát thu nhập qua tài khoản để phòng ngừa tham nhũng tốt hơn.

 Ngày 9/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký Kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc chính thức cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định lựa chọn 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại Kỳ họp này (diễn ra từ 12 - 14/11). Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trên cơ sở những ý kiến của thành viên Chính phủ, các ý kiến chất vấn của ĐBQH sẽ giải trình làm rõ thêm.  
 
Nguyễn Vũ 
ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhận định, lâu nay do việc thực hiện quy định chưa nghiêm minh nên rất nhiều tài sản có giá trị không được kê khai. Ông đề nghị cần xây dựng chế tài để buộc cán bộ, công chức phải kê khai tất cả tài sản thuộc sở hữu. "Kiểm soát thu nhập của người có chức quyền là công cụ mấu chốt của phòng chống tham nhũng. Nếu không sẽ chỉ là hình thức" - ông Huỳnh Nghĩa nói. Riêng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) còn đề xuất kê khai cả tài sản của con cái lãnh đạo. Ông giải thích, nhiều lãnh đạo có con cái trưởng thành, giỏi giang, song bên cạnh đó cũng không ít con cái của các vị bỗng giàu lên bất thường. Bởi vậy, cần kê khai thêm tài sản các đối tượng này để đảm bảo tính nghiêm minh.

Xem tham nhũng là tội hình sự nặng nhất

Trước thực trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, nhiều ĐB đề nghị, phải xem tội tham nhũng là tội hình sự nặng nhất. Thậm chí, ĐB Nguyễn Bá Thuyền còn cho rằng: "Cần coi tham nhũng như tội phản quốc, buôn ma túy. Nếu không làm như thế thì chống tham nhũng không có hiệu quả". Vì vậy, theo ông thì không được đặc xá, giảm án, tuyên án treo cho tội phạm tham nhũng.

Còn theo ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), với tham nhũng không phải phòng, chống nữa mà phải tiêu diệt. Phải coi tham nhũng là một trong những tội nặng nhất, chống lại chế độ, chống lại nhân dân. Trên quan điểm đó, cần phải xử lý thật nghiêm, mới đem lại hiệu quả thiết thực. Tương tự, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) dẫn chứng, 7 năm trước, việc QH thảo luận thông qua Luật Phòng chống tham nhũng được coi như việc rèn thanh "Thượng phương bảo kiếm" để trừ khử tham nhũng; nhưng thực tế, vấn nạn tham nhũng dường như mỗi lúc một thêm trầm trọng.

Băn khoăn mô hình chống tham nhũng

Chỉ ra nguyên nhân của nạn tham nhũng là do công tác quản lý cán bộ còn nhiều sơ hở, việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa đủ răn đe. ĐB Nguyễn Thế Tuy (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cần có tổ chức phòng, chống tham nhũng độc lập thuộc QH. Khá nhiều ĐB cũng đề nghị nên có cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc QH không cần làm nhiều, mỗi năm chỉ làm 2 - 3 vụ đến nơi đến chốn là sẽ đủ răn đe.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội)  cho rằng, nên hình thành mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là: Tổng Bí thư, người đứng đầu cấp ủy là Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo là Trưởng ban nội chính của T.Ư, địa phương. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng trực thuộc QH. Đây là cơ quan phòng, chống tham nhũng tối cao của đất nước, có quy chế đặc biệt, chịu trách nhiệm trước QH, không thuộc quyền chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban có bộ phận điều tra riêng. Nhân sự của Ủy ban này do QH bầu. Đề nghị bầu Tổng Bí thư  làm Chủ tịch Ủy ban này. Việc Đảng, QH trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng là chính danh, hợp pháp. 

Tuy nhiên, ĐB Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, chống tham nhũng là chức năng của Chính phủ, còn QH chỉ có chức năng giám sát, không làm thay cơ quan Nhà nước. Chung ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) đặt câu hỏi, nếu QH lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì ai sẽ giám sát cơ quan này? Chưa kể, cơ quan chuyên trách có thể lập ở T.Ư, xong về địa phương thì sao?

Nhiều ĐB đề nghị QH nên cân nhắc xem đã nên thông qua dự Luật tại Kỳ họp này hay chưa bởi khó có thể tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề phức tạp khi mà chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc kỳ họp. Trước mắt, đề nghị chỉ thông qua luật sửa đổi một số điều cấp thiết liên quan đến Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và vấn đề kê khai tài sản. 

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị - Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Phải bảo vệ người tố cáo

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH về công tác phòng, chống tham nhũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: Luật phải quy định những cơ chế thật sự có hiệu quả và hiệu lực trên thực tế. Về mặt nguyên tắc, muốn chống tham nhũng mà không bảo vệ được người tố cáo thì công tác này sẽ hạn chế rất nhiều do người dân sợ, không dám tố cáo. Phải có cơ chế để người tố cáo hoàn toàn yên tâm là đã được pháp luật bảo vệ. Nhưng đó cũng chỉ là một kênh thôi, còn phải điều tra, kết luận, đánh giá cẩn trọng chứ không phải cứ tố cáo là xong. Nhưng dù sao, đây cũng là một trong những việc rất quan trọng. Trên thực tế, do chưa đủ cơ sở luật pháp cũng như thực tiễn để bảo vệ người tố cáo, dẫn đến rất nhiều người còn lo ngại, chưa yên tâm khi quyết định tố cáo hành vi tham nhũng. Theo tôi, trong luật cần quan tâm cả hai vế. Bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo thì cũng phải có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người tố cáo không đúng. Cả hai việc này phải được làm tốt.

ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai):

Vũ khi sắc bén của báo chí bị giũa cùnTrong khi thừa nhận phần lớn vụ việc do báo chí và người dân phát hiện, lẽ ra phải khai thác thế mạnh nói trên thì Luật lại bổ sung quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin cho người đứng đầu Viện kiểm sát, y như ứng xử với người dưới quyền, trong khi không hề có biện pháp nào bảo vệ an toàn. 

Lẽ ra phải là sự cộng tác có trách nhiệm thì lại đưa ra ràng buộc có điều kiện, khiến nhà báo cảm thấy tốt nhất đừng dính vào chống tham nhũng lại tránh được cạm bẫy nguy hiểm. Như vậy, vũ khí sắc bén là báo chí thay vì mài cho sắc thì nay ta lại giũa cho cùn.