Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơn ác mộng giá dầu tại Davos 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức thường niên ở Davos (Thụy Sĩ), bàn nghị sự năm nay bao trùm bởi những lo lắng và dự báo về kịch bản của giá dầu, vốn đang giảm không phanh xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua.

Nhớ lại thời điểm tháng 1/2008, không lâu trước khi giá dầu thô leo lên mức đỉnh 150 USD/thùng, nguyên thủ và quan chức từ các nước sản xuất dầu thô như Nga, Ả Rập Saudi và Kuwait từng là những nhân vật đặc biệt trên bàn nghị sự Davos. Đó là giai đoạn các nhà sản xuất dầu tích lũy hàng tỷ USD từ chứng khoán, nợ, bất động sản, các câu lạc bộ bóng đá và nhiều tài sản khác. Tình hình nay đã khác. Trong 18 tháng qua, “vàng đen” đã mất 75% giá trị do thị trường dư cung. Diễn đàn Davos 2016 vừa khai mạc được 1 ngày, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã giảm xuống mức 27 USD/thùng, thấp nhất trong hơn 13 năm qua.
Giá dầu được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2017.
Giá dầu được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2017.
Trong 2 ngày họp đầu tiên của WEF 2016, lãnh đạo các tập đoàn dầu mỏ, các nhà hoạch định chính sách đều nhận định viễn cảnh giá dầu hồi phục trong năm nay còn mơ hồ. Các nước sản xuất lớn vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường, đồng thời nhu cầu nhiên liệu từ quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - Trung Quốc vẫn suy yếu. Trong khi CEO Bob Dudley của tập đoàn dầu lửa BP khẳng định, kịch bản lao dốc của dầu gợi nhớ lại thời điểm khủng hoảng tồi tệ năm 1986, khi giá vàng đen còn 10 USD/thùng. Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) - Fatih Birol nhận định, đây là năm thứ 3 cung dầu liên tiếp vượt cầu. Do đó, giá nhiên liệu quý này sẽ tiếp tục chịu sức ép, trong bối cảnh chưa có bất kỳ nền tảng nào thúc đẩy tăng giá. Theo CEO của United Bank - Phillips Oduoza, tình hình sẽ không được cải thiện cho đến khi thị trường năng lượng hấp thụ được "cú sốc nguồn cung", có khả năng kéo giá mỗi thùng dầu xuống 20 USD.

Việc Iran được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngày 16/1 vừa qua cũng “làm nóng” bàn nghị sự về giá dầu. Là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới, việc tháo “vòng kim cô” sẽ khiến Iran nôn nóng tham gia vào cuộc chiến tranh thị phần, sau nhiều năm bị kìm hãm. Quốc gia Trung Đông này đã tuyên bố nâng sản lượng mỗi ngày lên thêm 500.000 thùng càng sớm càng tốt. Theo Chủ tịch Tập đoàn tài chính UBS, Axel Weber: "Việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Iran sẽ làm tăng nguồn cung. Vì thế, giá dầu còn lâu mới chạm đáy và mất một khoảng thời gian để tăng bật".

Theo Bloomberg, phần lớn các quan chức ngành dầu mỏ tại phiên họp kín ở Davos đều nhận định, thị trường đang dư cung 1 triệu thùng/ngày. Việc giảm chi tiêu cho các dự án mới sẽ giúp cân bằng cung cầu dầu trong năm tới. Trong năm 2016, đầu tư khai thác dầu dự báo sẽ giảm 16%, thấp hơn 20% năm ngoái. Giám đốc IEA Birol nhận xét, việc các hãng sản xuất cắt giảm chi tiêu khai thác dầu kỷ lục sẽ tạo nền tảng phục hồi cho thị trường, tuy nhiên đó cũng là viễn cảnh của năm 2017. Đồng quan điểm với ông là CEO của tập đoàn khai khoáng Saudi Basic Industries với lý do rằng thời điểm này, kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục.

Tuy nhiên, dù nhiều dự đoán giá dầu phục hồi vào nửa cuối năm 2017, các quan chức và lãnh đạo toàn cầu cũng cho rằng sẽ khó để “vàng đen” trở về thời kỳ bùng nổ trước đây. Giá dầu sẽ không thể trở về mức 100 USD, 70 USD hay 60 USD thay vào đó có khả năng xấp xỉ 50 USD/thùng, bằng nửa mức giá cách đây 18 tháng.