Một là cái tin Hội đồng vàng thế giới xác nhận năm 2014 Việt Nam tiêu thụ tới 70 tấn vàng, trong khi Ngân hàng Nhà nước không nhập mà cũng không cho doanh nghiệp nào nhập về một lai vàng nào. Hai là vụ các tay lái máy bay bị phía Hàn Quốc phát hiện buôn lậu 6kg vàng, mà lại là vàng mang từ Việt Nam vào Hàn Quốc, nơi giá vàng trong nước của họ thấp hơn của ta.
Thế mới lạ. Hóa ra nhiều người nhầm. Thị trường vắng, không có nghĩa là không có buôn lậu. Chỉ khi nào buôn lậu không cho lợi nhuận mới hết buôn lậu. Mà vàng thì chênh lệch giá mới kỳ ảo làm sao, thấp cao, cao thấp… lúc nào cũng cho lợi nhuận.
Ảnh minh họa
|
Thực hư chuyện thẩm lậu vàng vào Việt Nam
Đương nhiên không thể có lượng vàng miếng nào thẩm lậu vào nước ta vì thị trường vàng miếng từ lâu đã chỉ chấp nhận vàng thương hiệu Quốc gia SJC, mà loại đó chỉ sản xuất ở trong nước. Dĩ nhiên, không kể ít vàng SJC đểu do gian thương Trung Quốc làm mang sang Việt Nam tiêu thụ. Không đáng kể và không đáng tính. Vì vậy có thể nói thị trường vàng miếng rất ít có tình trạng buôn lậu. Nhưng vàng nữ trang, những nhẫn, dây chuyền, lắc, vòng và nhiều món khác nữa lấy vàng ở đâu? Lấy vàng miếng làm nguyên liệu ư? Không thể. Vàng miếng trong nước lúc nào cũng cao hơn thế giới trung bình là 4 triệu đồng/lượng. Chẳng ai dại gì mà phá ra làm nhẫn để sau nàu bán rẻ hơn gần chục triệu một lượng.
Thống kê của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp nữ trang vẫn sống khỏe. Họ không thể lấy nguyên liệu từ đất để làm nữ trang được. Phải có vàng nguyên liệu. Nó ở đâu ra? Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng nguồn vàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc và Campuchia. Xin nhắc rằng, trong khi thị trường vàng miếng đìu hiu thì nhu cầu làm đẹp bằng vàng của dân ta không giảm một chút nào.
Tìm hiểu thị trường TP Hồ Chí Minh ngày 24/4, vàng nhẫn tròn trơn không phải SJC có giá 31,6 - 32 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào cũng hàng đó, coi như nguyên liệu là 30,2 triệu đồng/lượng. Và mỗi ngày, hàng nghìn lượng vàng nữ trang vẫn được bán ra tại thị trường cả nước. Dĩ nhiên nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu này rất lớn. Hội đồng vàng thế giới cân đo lượng tiêu thụ bằng nguồn cung cấp khu vực và ước chừng khả năng thẩm lậu để ước con số 70 tấn vàng đã nhập về Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng con số này tuy chưa chính xác, nhưng sai số cũng không lớn. Nhưng thẩm lậu bằng cách nào? Dĩ nhiên là bằng con đường buôn lậu.
Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, đặc biệt là trong những thời điểm chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên cao. Cuối năm 2014, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia. Chênh lệch giá vàng cao ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng vàng lậu, tình trạng buôn lậu vẫn âm thầm “nóng”, chỉ chảy máu ngoại tệ, mỗi lần giới buôn lậu “ăn hàng” giá USD lại nóng lên, tạo ra tâm lý bất an trong người dân. Vàng trang sức đang là nơi “trú ẩn” của vàng lậu.
Một lãnh đạo NHNN cho biết: “Nếu NHNN mạnh tay làm với vàng trang sức đòi hỏi theo đúng tiêu chuẩn, giới buôn vàng coi như hết cửa. Sau khi dẹp xong thị trường vàng miếng, NHNN sẽ làm đến vàng trang sức, tất nhiên là từng bước để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”. Theo đó, công cụ “sờ gáy” thị trường vàng trang sức đã ra đời (từ 1/6/2014) là Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ với việc buộc DN phải tuân thủ quy định như đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông. Tuy nhiên đó mới là ý muốn. Trên thực tế, mặc dù TT22/2013/TT-BKHCN đã có hiệu lực gần một năm, tình hình không khá lên.
Buôn lậu vàng sang Hàn Quốc?
Ngày 10/3, trên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Busan, hai nhân viên của Vietnam Airlines là Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong mang theo 6kg vàng nhưng không khai báo, nên đã bị hải quan sân bay Gimhae (Hàn Quốc) bắt giữ. Lời khai ban đầu, họ sẽ nhận được 250USD cho mỗi ký vàng vận chuyển thành công tới Hàn Quốc. Xứ sở Kim Chi cũng đang “khát” nguồn cung vàng nguyên liệu để chế biến vàng nữ trang; trong khi đó, thuế nhập khẩu vàng vào Hàn Quốc lên tới 3% trong khi Việt Nam chỉ 0% (vừa tăng lên 2% được ít ngày). Tại thị trường Việt Nam, lượng vàng nguyên liệu trôi nổi rất nhiều và không quá khó tìm. Mua vàng trôi nổi giá rẻ rồi đem sang Hàn Quốc, lại không phải chịu thuế nhập khẩu cao thì số tiền lời mà những “người vận chuyển” này được hưởng cao hơn những gì họ khai báo rất nhiều.
Nhưng nhiều người không tin điều đó. Có người nói tới mục tiêu chuyển lợi nhuận kinh doanh trên thị trường Việt Nam về nước trốn thuế. Nhưng đa phần cho rằng, đây là chuyển vàng nguyên liệu trong nước sang Hàn Quốc, nhưng không đơn thuần là xách một chiều mà sẽ theo hướng đưa vàng nguyên liệu sang gia công thành vàng nữ trang, sau đó lại quay về Việt Nam. Số vàng này đưa “lậu” sang bên kia rất có thể sẽ tiếp tục được gia công và “hô biến” thành vàng nữ trang Hàn Quốc, sau đó lại “đưa” về Việt Nam qua cách thức trên theo chiều ngược lại. Như thế họ mới có lãi nhiều, chứ thực tế chênh lệch vàng nguyên liệu giữa mình và họ hiện không lớn như mọi người vẫn nghĩ.
Dư luận cũng lưu ý, con đường thẩm lậu vàng lớn nhất, nhiều nhất chính bằng phương tiện hàng không.
Việc để giá vàng trong nước luôn chênh lệch ở mức cao so với thế giới sẽ khuyến khích buôn lậu. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến điều kiện xuất khẩu vàng trang sức khó khăn vì doanh Việt Nam phải mua nguyên liệu vàng trôi nổi với mức cao khiến doanh nghiệp không có điều kiện để hoạt động. Chỉ có một cách chống buôn lậu vàng hữu hiệu nhất. Để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới. Không còn chênh lệch giá, chắc chắn sẽ không còn buôn lậu. Câu hỏi còn lại là: Bao giờ?