Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con dao hai lưỡi khi Philippines dùng bạo lực triệt tội phạm

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 nhờ chiến dịch tranh cử cam kết mạnh tay với tội phạm.

Và chưa đầy 3 tháng kể từ khi ông Duterte cầm quyền, hơn 700 người nghi ngờ nghiện hoặc buôn bán ma túy đã thiệt mạng do cảnh sát và lực lượng cảnh vệ “ra tay”. Lực lượng này được chính Tổng thống cho phép sử dụng bạo lực đối với những nghi phạm có thái độ "chống đối và bắn trả vào cảnh sát". Ông Duterte với biệt danh Digong - Người trừng phạt tin rằng, chính sách mạnh tay này sẽ giúp Philippines sạch bóng tội phạm trong 6 tháng.
Những nghi phạm bị cảnh sát bắt trong chiến dịch truy quét băng đảng ma túy. Ảnh: Philstar
Những nghi phạm bị cảnh sát bắt trong chiến dịch truy quét băng đảng ma túy. Ảnh: Philstar
Tuy nhiên, hồi tháng trước, tấm ảnh một người vợ đang ôm thi thể của chồng - người vừa bị một nhóm cảnh vệ bắn chết đã làm dấy lên nghi ngờ về tính đúng đắn của các biện pháp đẫm máu và mức độ bạo lực sâu rộng trong xã hội Philippines. Jennelyn Olaires - người vợ ôm xác chồng trong ảnh cho biết, chồng cô - Michael Siaron là một “con nghiện” nhưng không liên quan đến việc buôn bán ma túy. Gia đình cô khá nghèo nên không có đủ tiền mua thuốc phiện, chồng cô kiếm sống bằng nghề xích lô và làm một số việc lặt vặt. Điều trớ trêu là chồng cô đã bỏ phiếu cho ông Duterte trong cuộc bầu cử ngày 9/5. "Chồng tôi không đáng bị như vậy. Có nhiều kẻ phạm tội đáng phải nhận hình phạt này hơn” - cô nói.

Bạo lực chưa bao giờ là biện pháp tối ưu để đem lại sự an toàn. Về cơ bản, xã hội Philippines không trở nên an toàn hơn khi tình trạng bạo lực xảy ra khắp nơi và bất kỳ ai cũng có thể bị nã đạn nếu bị nghi ngờ là buôn ma túy. Đó là chưa kể đến tình trạng người vô tội có thể bị thiệt mạng, dưới cái mác diệt trừ tội phạm. Các nhà hoạt động nhân quyền đang phản đối tình trạng bắn giết bừa bãi ở quốc đảo này, dù cho vì lý do gì đi nữa. Hiện, hơn 300 nhóm xã hội dân sự đã ký thư đề nghị chung lên Hội đồng Quốc tế kiểm soát ma túy (INCB) và Văn phòng Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), kêu gọi các cơ quan kiểm soát ma túy Liên Hợp quốc công khai lên án những hành động trấn áp tội phạm ở Philippines. Những diễn biến này cho thấy, chiến dịch trấn áp mạnh tay của ông Duterte đang gây ra hiệu ứng ngược, gieo rắc tư tưởng bất mãn trong người dân và nếu không được xoa dịu, nó có thể trở thành mồi lửa thổi bùng lên bất ổn trong lòng xã hội Philippines.