Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Con đê” gia đình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả điều tra mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 68% giáo viên và 42% học sinh nói rằng các em vi phạm kỷ luật là do bố mẹ thiếu gương mẫu trong cuộc sống.

 Rõ ràng, những người làm bố, làm mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành nhân cách của con.

Theo các chuyên gia, khi còn nhỏ, nhân cách trẻ chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng thông qua sự bắt chước hành động của người lớn, mà thường xuyên và gần gũi nhất là bố mẹ, trẻ bắt đầu thâu nhận tất cả để hình thành nhân cách của mình. Một ông bố tham nhũng khó thuyết phục được con phải thật thà; một người mẹ bừa bộn, cẩu thả không thể dạy con phải gọn gàng, sạch sẽ…

“Con đê” gia đình - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Tuy nhiên hiện nay, không hiếm các bậc phụ huynh vì quá mải mê với việc kiếm tiền, ít khi hoặc thậm chí không dành thời gian trò chuyện với con; có gia đình đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con bằng cách cho tiền, thật nhiều tiền và dừng ở sự bỏ lửng đó. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc những đứa trẻ trở nên lạc lõng, cô đơn… Bởi khi không có cha mẹ "dẫn đường", hoặc bị bỏ rơi trong chính gia đình mình, con cái dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt, nhiều em đã tìm đến bạn bè tụ tập, ăn chơi, hành xử theo bản năng… Trong khi ngoài xã hội thì không thiếu cái xấu và đầy cám dỗ, trong khi tâm hồn, kỹ năng ứng phó với cuộc sống của các em còn quá non nớt.

Vì thế, trẻ sẽ được bảo đảm hơn khi mỗi gia đình thực sự là những "con đê" ngăn chặn... con sóng tiêu cực. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải dành thời gian trao đổi, tâm sự cùng con cái, bàn luận cùng con về các vấn đề đã và đang diễn ra ở ngay trong gia đình, xã hội, từ những mẩu chuyện người tốt việc tốt đến cả những tệ nạn xã hội… Qua đó phân tích mặt đúng, mặt sai, cái tốt, cái xấu để học sinh hiểu và nhận thức được vấn đề, đồng thời hình thành cho học sinh kỹ năng tự ứng phó trước những cám dỗ của xã hội.