Lý giải về hiện tượng trên, các chuyên gia cho rằng, quyết định của Síp đã tạo nên một tiền lệ đáng sợ cho châu Âu. Ngay tại đảo Síp, người dân nước này đã ồ ạt đi rút tiền khỏi các ngân hàng, đẩy nhiều ngân hàng nước này rơi vào trạng thái gần như phá sản. Nếu các chủ nợ cũng áp dụng biện pháp tương tự với Tây Ban Nha hoặc Italia, hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn khi người gửi tiền ở các nước khác có động thái tương tự và khiến thị trường tổn thương.
Sự hỗn loạn của thị trường đã buộc Quốc hội nước này phải họp phiên bất thường hôm 18/3 nhằm xem xét kế hoạch đánh thuế khác đối với tiền tiết kiệm mà Chính phủ vừa đề xuất. Theo kế hoạch mới, các khoản tiền gửi dưới 100.000 Euro sẽ bị đánh thuế 3% và các khoản tiền cao hơn phải chịu mức thuế 12,5%. Hiện bộ ba chủ nợ quốc tế là Ủy ban châu Âu (EC), IMF và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) đã tỏ ra tán thành với kế hoạch này. Chưa rõ, quyết định cuối cùng của Quốc hội Síp ra sao nhưng có một điều chắc chắn là các nhà quản lý châu Âu đã bộc lộ rõ sự luống cuống khi ban hành những chính sách "tự bắn vào chân mình".