Con đường nào cho nước Anh?

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm của nữ Thủ tướng Anh Theresa May đến Nhật Bản trong tuần này được cho là nỗ lực của chính quyền London nhằm tìm kiếm những cơ hội mới trong tương lai sau tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất ( còn gọi là Brexit).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Anh Theresa May.
Chuyến thăm của nữ Thủ tướng Anh Theresa May đến Nhật Bản trong tuần này được cho là nỗ lực của chính quyền London nhằm tìm kiếm những cơ hội mới trong tương lai sau tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất ( còn gọi là Brexit).
Tuy nhiên, chuyến đi này của bà Theresa May được dự báo sẽ không thuận lợi như kỳ vọng, khi Nhật Bản tuyên bố ưu tiên hiện nay của là tập trung hoàn tất Hiệp định thương mại tự do với EU, thay vì nghĩ tới một thoả thuận thương mại song phương với Anh. Tuy nhiên, kể cả khi thoả thuận này hoàn tất, không chỉ Nhật Bản mà cả các đối tác thương mại chính của Anh như Mỹ, Ấn Độ hoặc Úc sẽ khó quyết định đàm phán với London trước khi hiểu rõ mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU hậu Brexit.
Một trong những hấp lực lớn của Brexit là việc Anh được tự đàm phán các thoả thuận thương mại song phương. Tuy nhiên, khi không còn là một thể thống nhất, nước Anh sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thương mại từ chính EU, tổ chức có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó đặt London vào vị thế cần xác định rõ vai trò của nước này với châu Âu trước khi nghĩ tới các mục tiêu kinh tế khác. Điển hình như việc nếu Anh muốn tiếp cận thị trường thực phẩm châu Âu, nước này sẽ cần thay đổi các quy định nhập khẩu để phù hợp hơn với những tiêu chuẩn ngặt nghèo của EU. Hay sự xuất hiện của luật xuất xứ hàng hoá, trong đó quy định tỉ lệ cấu phần có nguồn gốc từ một quốc gia thứ 3 mà các công ty Anh được phép sử dụng để hàng hoá đủ điều kiện nhập khẩu vào EU.
Đây là những tín hiệu không mấy khả quan đối với đa phần các đối tác của Anh, vốn xem nước này như cánh cửa dẫn tới thị trường châu Âu. Trong tương lai, kể cả khi nước Anh trở thành một trong những cường quốc thương mại hàng đầu, các quốc gia đối tác sẽ luôn nhìn nhận nước Anh trong bức tranh tổng thể gắn liền với EU. Rõ ràng, lộ trình trở thành một quốc gia toàn cầu hoá là con đường mà Anh hướng tới, khi lý do chính của quá trình Brexit là nhằm thoát khỏi những hạn chế từ các quy định bảo hộ của tổ chức này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nước Anh sẽ đi con đường nào để đạt được các mục tiêu thương mại, khi rõ ràng EU đang là một chướng ngại lớn khó vượt qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần