Theo tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý 1/2018, VCCI tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh; nhằm chuyển tải tới các bộ, ngành và địa phương để kịp thời có giải pháp và đường hướng khắc phục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Đóng gói sản phẩm giày dép xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Bita's (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Cụ thể, vấn đề miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được không ít doanh nghiệp ngành du lịch quan tâm. Yêu cầu đặt ra là gia hạn việc miễn thị thực cho công dân của 5 quốc gia châu Âu; cũng như việc nâng thời hạn miễn thị thực lên tới 30 ngày thay vì 15 ngày. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách du lịch công vụ và khách du lịch nói chung.
Cùng với đó, cần có một hệ thống thị thực quá cảnh tối đa là 72 giờ để khuyến khích khách dừng nghỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Những đề xuất về việc cải thiện chính sách miễn thị thực hay thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu… sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động của ngành du lịch nói chung; trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần hành động kịp thời để bảo vệ quyền sở hữu phát minh, sáng kiến, kiểu dáng công nghiệp, tránh để vi phạm trong thời gian kéo dài, gây tổn hại lớn cho doanh nghiệp, như trường hợp của Công ty Bình Tân vừa gửi đơn khiếu nại, khi phát hiện trên thị trường xuất hiện sản phẩm giày dép nhãn hiệu Kita’s do Công ty TNHH MTV Thiên Phú Thành sản xuất, có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bita’s được bảo hộ của Công ty Bình Tân. Việc này đã được Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ có văn bản kết luận và chứng thực.
Cùng với đó, còn không ít doanh nghiệp tiếp tục phản ánh về việc gặp phải vướng mắc liên quan tới chính sách thuế, thủ tục hoàn thuế hay chính sách hải quan… Như kiến nghị bãi bỏ một số loại thuế, phí trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An.
Theo đó, đề xuất việc bãi bỏ tiền thuế thuê đất mỏ và thuế đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bãi bỏ tiền cấp quyền khai thác đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để khuyến khích sản xuất gạch không nung thay thế gạch nung; điều chỉnh hoặc bãi bỏ việc áp đặt giá tài nguyên tính thuế mà phải thực hiện cơ chế thị trường khách quan tại từng địa phương cụ thể.
Công ty cổ phần que hàn Việt Đức là doanh nghiệp sản xuất, không trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu, mà ký hợp đồng mua dây thép làm vật liệu hàn qua các công ty thương mại trong nước. Các lô hàng thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất que hàn được giao cho Công ty Việt Đức và không có lượng thép dư bán ra thị trường. Giá trong hợp đồng thương mại đã bao gồm thuế tự vệ và các loại thuế phí theo quy định. Hiện nay, doanh nghiệp đang vướng mắc việc chưa được hoàn thuế của các lô hàng thép nhập khẩu của năm 2016, dẫn đến tình trạng thiếu vốn sản xuất trong năm 2017 và 2018, gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại tài chính….
Hay như trường hợp kiến nghị của Công ty TNHH MTV Phi Huỳnh đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét áp dụng mức thuế nhập khẩu trứng cá tầm giống là 0% như các loài thuỷ sản khác đang được áp dụng nhập khẩu với mục đích làm giống phục vụ sản xuất…