70 năm giải phóng Thủ đô

TP Hồ Chí Minh:

Còn nhiều trường hợp vẫn phải trình thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, khi khám chữa bệnh nhiều người vẫn phải trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh diễn ra vào chiều 10/10, các phóng viên đã đặt câu hỏi: hiện nay có bao nhiêu bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP đã áp dụng việc khám chữa bệnh (KCB) bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip? Tại sao đến nay vẫn còn tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện khám đưa CCCD có chip nhưng quét mã QR code không được, phải khám bằng thẻ BHYT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? BHXH TP đã và đang thực hiện các giải pháp nào để giải quyết bất cập đang tồn tại?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng–Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 7/10/2024, đã đồng bộ CCCD gắn chip với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB bằng CCCD là 7.642.288 thẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng–Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 7/10/2024, đã đồng bộ CCCD gắn chip với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB bằng CCCD là 7.642.288 thẻ.

Trả lời những câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc BHXH TP cho rằng, công tác triển khai mô hình điểm, sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT tại TP Hồ Chí Minh (đến ngày 7/10/2024), đã đồng bộ CCCD gắn chip với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD là 7.642.288 thẻ; số lượng cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong KCB đạt 100% với 188 cơ sở KCB đã ký hợp đồng (có 430 điểm KCB BHYT); số lượt công dân sử dụng CCCD trong KCB là hơn 14 triệu lượt, tra cứu thành công (có thông tin) hơn 12 triệu lượt (chiếm 87%).

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, CSDL quốc gia về bảo hiểm là CSDL quốc gia lưu trữ thông tin về BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.

Đây là CSDL của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“BHXH TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến ngày 30/9/2024, BHXH đã thực hiện đồng bộ định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD của gần 8 triệu trên tổng số gần 8,2 triệu người tham gia tại TP, đạt hơn 97%. CSDL về BHXH toàn quốc đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư đạt gần 99%”, bà Thu Hằng khẳng định.

Tuy nhiên, theo bà Thu Hằng do vẫn còn người tham gia BHXH, BHYT chưa được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư nên vẫn còn tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện dùng CCCD gắn chip tra cứu không có thông tin.

Về giải pháp trong thời gian tới, BHXH TP đã ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện đảm bảo thống nhất trong toàn hệ thống cơ quan BHXH TP về thực hiện chương trình chuyển đổi số và thực hiện Đề án 6, như: rà soát, xử lý dữ liệu, cập nhật số ĐDCN/CCCD của người tham gia. Phối hợp với Công an TP rà soát, cập nhật ĐDCN/CCCD. Tổ chức các hình thức tuyên tuyên truyền trực quan bằng hình thức treo băng rôn, standee với nội dung “3 cách thay thế thẻ BHYT giấy đi KCB:: ứng dụng VssID, CCCD gắn chip, VneID.