KTĐT - Đến thời điểm nay việc xây dựng các lò giết mổ hiện đại vẫn hết sức ỳ ạch do vướng mắc mắc nảy sinh từ chính cơ chế, chính sách ưu đãi.
Quá nửa dự án chậm tiến độ
Theo Sở Công Thương, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 400 tấn thịt giá súc gia cầm (GSGC). Tuy nhiên, đến nay, lượng GSGC tiêu thụ trên thị trường phần lớn là giết mổ thủ công, nhỏ lẻ không đảm bảo VSATTP. Nhằm giải quyết vấn đề này, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về việc xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung, công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2010. Theo đó, đến hết năm 2010, Hà Nội sẽ xây dựng được 7 cơ sở giết mổ, chế biến GSGC hiện đại. Nhưng đến thời điểm nay việc xây dựng các lò giết mổ hiện đại vẫn hết sức ỳ ạch do vướng mắc mắc nảy sinh từ chính cơ chế, chính sách ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Như Mai-Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngoài 3 dự án gồm: nhà máy GSGC và chế biến thực phẩm tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương (Thường Tín) với công xuất quy mô giết mổ 600 con lợn và 1000 con gà/ngày do Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh làm chủ đầu tư; Dự án giết mổ gia cầm tại xã Nguyên Khê-Đông Anh do Công ty Cổ phần Phúc Thịnh đầu tư có quy mô giết mổ 10.000con gia cầm/ngày; Dự án Nhà máy Giết mổ chế biến GSGC với công suất 1500 con lợn, 240 con trâu, bò 16.000 con gia cầm/ngày do công ty TNHH nhà nước 1 thành viên đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) đầu tư với số vốn 200 tỷ đồng …. đã hoàn thành các hạng mục lớn và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010.
Những dự án còn lại gồm: Dự án giết mổ trâu bò tại huyện Phú Xuyên; Dự án nhà máy giết mổ chế biến GSGC tại huyện Thường Tín công suất 1500 con lợn, 16.000 con gia cầm do công ty (Hadico) đầu tư đều chưa thể đưa vào hoạt động trong năm 2010. Không chỉ có 2 dự án này chậm tiến độ mà các dự án còn lại gồm: Dự án Giết mổ GSGC tại xã Lệ Chi-Gia Lâm do Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh-Gia súc gia cầm (đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội); Dự án Giết mổ gia súc tại xã Xuân Nộn- Đông Anh do Công ty Cổ phần Đông Thành làm chủ đầu tư cũng không thể đưa vào sự dụng trong năm 2010 như kế hoạch đề ra.
Đâu là nguyên nhân
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ giữa UBNDTP với các chủ đầu tư ( ngày 8/1), đại diện các doanh nghiệp đầu tư đều có chung nhận định, mặc dù đã có cơ chế ưu đãi, song khi triển khai vào thực tiễn lại gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, hầu hết các dự án đều ách tắc ở khâu duyệt quy hoạch. Ông Hoàng Trọng Chương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) cho biết, Hadico hiện đang triển khai xây dựng 3 nhà máy giết mổ, nhưng mới có một địa điểm ở Phúc Thọ hoàn thành hồ sơ thiết kế quy hoạch. Ông Chương cho biết thêm: Đối với dự án Nhà máy giết mổ trâu bò tại xã Tri Thủy và Quang Lãng, huyện Phú Xuyên đang được xác định địa điểm, ranh giới. Nhà máy này dự kiến cách khu dân cư 100 m, trong khi đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc yêu cầu cự ly tối thiểu là 300m, nên chưa thể triển khai. Bên cạnh đó, việc thẩm định chất lượng, công nghệ của dây chuyền giết mổ, xử lý nước thải khá chậm chạp do Hà Nội chưa có được tiêu chí cụ thể, thiếu vốn đầu tư… cũng là nguyên nhân khiến các dự án giết mổ triển khai chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giết mổ này, Sở Công thương Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Sở Tài nguyên-Môi trường cần nhanh chóng thẩm định hồ sở thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cũng như giải quyết dứt điểm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho các dự án. Đối với dự án giết mổ gia súc tại Phú Xuyên, do điều kiện quỹ đất không thể dịch chuyển được địa điểm, Sở Công thương đề nghị TP chấp thuận cho dự án được bố trí tại địa điểm đã được chỉ định. Đối với dự án giết mổ GSGC và chế biến thực phẩm tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương do Công ty Vinh Anh đầu tư hiện đang thiếu vốn, thành phố nên có văn bản cho phép đơn vị được vay 8 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố làm nguồn vốn thực hiện dự án.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội- Nguyễn Huy Tưởng đã đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai cấc dự án trong năm 2010. Ngoài ra, Phó chủ tịch yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở: Tài chính, Công thương, Khoa học Công nghệ đưa ra tiêu chí chuẩn và có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về việc xử lý môi trường, chất thải trong chương trình hỗ trợ giết mổ; lựa chọn công nghệ chế biến, giết mổ... theo Quyết định 77/2009/QĐ-UBND quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm./.