Tỷ phú Donald Trump, hiện đang trở thành một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay. Khi mới bắt đầu cuộc bầu cử, ứng viên của đảng Cộng hòa được đánh giá thấp hơn các ứng viên trong đảng bởi kinh nghiệm chính trị non kém.
Tuy nhiên, qua các vòng bầu cử sơ bộ, ông Trump đã lần lượt đánh bại các đối thủ một cách vang dội. 3 ứng viên khác của đảng Cộng hòa phải bỏ đường đua vì lượng sức không vượt được qua vị tỷ phú này. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ ông Trump nhận được sự ủng hộ từ người Mỹ nhiều đến vậy là bởi quá chán ngán với các tuyên bố “đao to búa lớn” mà không mấy hiệu quả của các chính trị gia. Bên cạnh đó, với các tuyên bố mạnh bạo về vấn đề nhập cư như “cấm cửa” người Hồi giáo hay xây một bức tường ngăn giữa Mexico và Mỹ, ông đã đánh trúng tâm lý của nhiều cử tri. Từ trước đến nay, là một quốc gia đa chủng tộc và có nhiều người nhập cư, một bộ phận người Mỹ da trắng luôn cho rằng, người nhập cư là nguồn gốc của các bất ổn. Họ cần một người có thể "thổi bay" các mối lo bằng hành động mạnh mẽ.
Bên cạnh ông Trump, cách đây vài ngày, ông Rodrigo Duterte - người vừa được bầu làm Tổng thống Philippines cũng xuất hiện với hình ảnh một “siêu anh hùng”. Vị thị trưởng TP Davao vốn được biết đến với các tuyên bố mạnh mẽ gây tranh cãi và thường được ví von là “Donald Trump phương đông”. Thực tế, tình trạng tội phạm và tham nhũng tràn lan trong xã hội đã khiến người Philippines không còn tin vào các ứng viên ôn hòa. Thay vào đó, họ chọn cho mình một người lãnh đạo cứng rắn, cam kết diệt tận gốc tội phạm, chấm dứt nạn tham nhũng. Sự nghiệp lãnh đạo TP Davao trong 7 nhiệm kỳ với thành tích giúp TP sạch bóng tội phạm khiến cử tri cảm thấy thuyết phục. Giovanni Perucho - một tài xế xe buýt ở Davao cho biết, bọn tội phạm sợ ngài thị trưởng. Người dân còn gọi ông là "The Punisher" - Người trừng phạt. Ông Duterte thừa nhận, để đạt được thành tích đó, ông đã áp dụng triệt để những biện pháp cực đoan và cam kết tiếp tục sử dụng những biện pháp này sau khi trúng cử tổng thống. Chiến lược ứng phó tội phạm của ông là săn lùng ráo riết bọn tội phạm, trừng trị thẳng tay, bất chấp cả Hiến pháp. Ông tin tưởng có thể quét sạch tội phạm chỉ trong vòng nửa năm sau khi đắc cử. Thậm chí, ông còn đe dọa sẽ giải tán Quốc hội và thành lập một chính phủ cách mạng trong trường hợp phải đương đầu với các nghị sĩ không chịu hợp tác.
Đến thời điểm này, ông Trump vẫn chưa trở thành tổng thống Mỹ nhưng trường hợp “siêu anh hùng” là ông Duterte đã thành công. Tuy nhiên, liệu xu hướng này có tích cực cho chính trị thế giới? Các nhà bình luận đã chỉ ra rằng, lời hứa diệt trừ hết tội phạm chỉ sau nửa năm là điều không tưởng. Bên cạnh đó, trên thế giới cũng có không ít lãnh đạo có lời hứa rất hay nhưng đến khi nhậm chức thì lại “thất hứa”. Điều quan trọng nhất, khoảng cách giữa “siêu anh hùng” và “kẻ độc tài” chỉ cách nhau một sợi chỉ. Điển hình là Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi nhậm chức, ông Erdogan cũng đưa ra những hứa hẹn về tương lai quốc gia nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Không những vậy, sự quyết đoán của ông đã khiến Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải từ nhiệm vì bất đồng quan điểm.
Ông Duterte đã được bầu làm Tổng thống Philippines.
|