Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn sức khỏe, còn tìm đồng đội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Nghe tôi nói về ý định tìm lại hài cốt của đồng đội, các cấp chính quyền và người dân ở đây đều hết lòng ủng hộ."

KTĐT - “Nghe tôi nói về ý định tìm lại hài cốt của đồng đội, các cấp chính quyền và người dân ở đây đều hết lòng ủng hộ. Thậm chí, có vị lãnh đạo còn nói, miền Nam được giải phóng là nhờ máu xương của chiến sĩ miền Bắc. Bởi vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đưa hài cốt của các anh về  với gia đình, đã làm tôi vô cùng xúc động”, ông Phổ nói.

Từng có lúc ông phải bán những đồ vật giá trị nhất trong nhà để có tiền đi tìm mộ các đồng đội vẫn còn nằm lại nơi núi rừng hoang vắng. 

Hơn 6.000 ngày lặn lội nơi đất khách quê người, thương binh Nguyễn Đức Phổ đã đưa được hơn 200 bộ hài cốt của các liệt sỹ về với gia đình.

Lời hứa với đồng đội

Nhắc lại sự hy sinh của các đồng đội năm xưa, ông Phổ (xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) không giấu nổi những giọt nước mắt.

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 96, thuộc tỉnh đội Phú Yên.

“Ngày ấy, chúng tôi sống với nhau như anh em trong nhà, chia sẻ với nhau từng bát cơm tấm áo. Trong  đơn vị có một ai đó hy sinh, chúng tôi cảm thấy như mất đi chính người thân của mình”, ông Phổ nhớ lại những ngày sống cùng đồng đội.

Trong thời gian chiến đấu ở Phú Yên, đơn vị của ông liên tục chống lại những cuộc càn quét khốc liệt của địch. Không ít chiến sĩ đã hy sinh trong những trận đánh đó. Mỗi lần một đồng đội ngã xuống, ông đều nghi chép cẩn thận tên tuổi, quê quán và đặc điểm nơi chôn cất của từng người để sau này có dịp sẽ báo tin cho gia đình đồng đội.

Thấy nhiều người hy sinh, trong đó có người chưa kịp ăn bữa cơm với đồng đội, ông và bốn người bạn thân trong đơn vị là Nguyễn Quang Trinh, Hoàng Văn Trị, Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Phi Hùng đã nhờ người dân mua giúp một chiếc bát sành và một đôi đũa làm bằng gỗ mun để đến bữa ăn hàng ngày đều dành một bát cơm kính viếng linh hồn những người đã khuất. Cùng với bát sành và đôi đũa là lời hứa,  một trong 5 người, nếu ai  may mắn còn sống được trở về nhà thì phải báo tin về sự hy sinh của đồng  đội cho gia đình họ.

Trong một trận đánh  năm 1973, chống lại sự phản công của địch ở địa phận huyện Sơn Hòa, Phú Yên, ông bị đạn bắn xuyên qua chân và cũng bị thương ở tay nên được chuyển về hậu cứ điều trị. Còn bốn người bạn thân trong đơn vị đều lần lượt hy sinh.

“Tôi như chết lặng khi biết tin cả bốn người bạn thân đều hy sinh. Cầm chiếc bát sành và đôi đũa trên tay, tôi tự nhủ, sẽ luôn nhớ lời hứa với đồng đội, nhất định phải đưa được hài cốt của các anh về với gia đình”, ông Phổ vừa nói, những giọt nước mắt vừa lăn.

Năm 1974, ông được đưa ra Bắc. Về nhà, ông để chiếc bát sành và đôi đũa lên bàn thờ. Hàng ngày nhìn những kỷ vật ấy, lời hứa năm xưa với đồng đội lại xoáy sâu vào tâm can, thôi thúc ông vào Nam tìm lại phần mộ của các đồng đội đưa về quê hương.

Cuối năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông  quyết định trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của đồng đội. Thế nhưng đúng lúc đó, những vết thương trên cơ thể của ông tái phát, ông buộc phải hoãn chuyến đi đó.

Còn sức khỏe, còn tìm đồng đội

Đến năm 1993, dù kinh tế gia đình rất khó khăn, các con vẫn còn nhỏ nhưng ông vẫn quyết định bán những đồ vật giá trị nhất trong nhà để có tiền đi tìm phần mộ các liệt sĩ. Vào đến Phú Yên, ông nhận được sự đón tiếp và giúp đỡ nhiệt tình của những đồng đội năm xưa và người dân.

“Nghe tôi nói về ý định tìm lại hài cốt của đồng đội, các cấp chính quyền và người dân ở đây đều hết lòng ủng hộ. Thậm chí, có vị lãnh đạo còn nói, miền Nam được giải phóng là nhờ máu xương của chiến sĩ miền Bắc. Bởi vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đưa hài cốt của các anh về  với gia đình, đã làm tôi vô cùng xúc động”, ông Phổ nói.

Việc tìm mộ liệt sỹ không hề dễ dàng. Có những lần ông cùng gia đình liệt sỹ phải băng rừng, lội suối cả tuần mới tìm đến nơi chôn cất. Vừa đến nơi thì gặp phải mưa rừng, cả đoàn phải nghỉ chân, lương thực hết nên phải chịu đói đến 3, 4 ngày liền.

Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in lần đi tìm bộ hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Văn Tế quê ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam vào năm 1994. Chính tay ông đã chôn cất liệt sỹ Tế ở một khu đất hoang bên bờ suối, có tảng đá to nằm bên cạnh. Nhưng khi ông vào Phú Yên tìm lại phần mộ thì trước mặt ông lại là cánh đồng mía xanh tốt, không còn dấu tích của ngôi mộ.

Không thấy mộ của đồng đội, ông bồn chồn ăn không ngon ngủ không yên. Hàng ngày, ông ra cánh đồng mía hàng tiếng đồng hồ để lần mò dấu tích đồng đội. Phải gần một tháng sau, ông mới tìm thấy ngôi mộ, với sự giúp đỡ của ông chủ cánh đồng mía.

Còn lần đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng, khi ông đến địa điểm chôn cất liệt sỹ Hùng ở xã Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, Phú Yên thì phần mộ đã được di dời đi nơi khác. Ông đến huyện đội để tìm thông tin thì được biết phần mộ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ. Nhưng cái khó là ở chỗ phần mộ liệt sỹ Hùng là mộ vô danh lại không được đánh số. Bởi vậy, trong hàng trăm ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang liệt sỹ để tìm ra đúng phần mộ của liệt sỹ Hùng là việc không hề dễ dàng.

Ông gọi điện hỏi gia đình về đặc điểm của liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng thì được gia đình cho biết, lúc còn nhỏ anh Hùng đã từng bị gãy tay.

Kết hợp thông tin trên cùng với sự giúp đỡ tận tình của huyện đội Sơn Hòa, Phú Yên, cuối cùng ông đã tìm đúng hài cốt của liệt sỹ Hùng để chuyển về quê hương an nghỉ.

Từ năm 1993 đến nay, ông đã tìm được hơn 200 bộ hài cốt của các liệt sỹ và đưa về với gia đình ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định...

Nhiều gia đình định gửi ông chút tiền làm kinh phí đi đường nhưng ông đều kiên quyết từ chối. Có gia đình liệt sỹ đã nhận ông làm con nuôi, coi như người thân trong gia đình.

Cầm trên tay bức thư của một gia đình liệt sỹ, ông Phổ bộc bạch: “Tôi vừa nhận được một bức thư của gia đình liệt sỹ Lý Nông Tung ở tỉnh Cao Bằng nhờ tôi tìm giúp phần mộ của liệt sỹ Tung. Tôi đã thu thập xong thông tin và đến cuối năm sẽ cùng gia đình vào Phú Yên tìm hài cốt liệt sỹ Tung. Khi còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục đi tìm mộ đồng đội”.