KTĐT - Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, số lao động gia đình và lao động tự làm ít có khả năng được bố trí công việc chính thức, do đó thiếu các yếu tố liên quan đến việc làm bền vững.
Theo báo cáo Xu hướng việc làm Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nghiên cứu và công bố: Hơn 77% lực lượng lao động nước ta thuộc nhóm có nguy cơ thiếu việc làm bền vững và dễ rơi vào nghèo đói.
Còn theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực C&D mới được công bố đầu tháng 2-2010 thì có tới 64% lao động nữ thiếu việc làm ổn định. Trong số đó, có tới 25% số lao động có mức lương không tương xứng với công sức lao động bỏ ra. Điều đó cho thấy, xu hướng việc làm năm 2010 vẫn thiếu tính bền vững.
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 1997 tới năm 2007 khẳng định, chỉ có gần 23% tổng lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực làm công ăn lương, còn lại 77% đang tự làm việc ở hình thức hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh nhỏ. Tỷ lệ này được khẳng định lại trong báo cáo Thực trạng cung - cầu lao động và những giải pháp vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố.
Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, số lao động gia đình và lao động tự làm ít có khả năng được bố trí công việc chính thức, do đó thiếu các yếu tố liên quan đến việc làm bền vững. Cũng theo bà Nguyễn Hải Vân, với các tiêu chí quốc tế thì phần đông lao động nước ta đang thuộc nhóm việc làm dễ bị tổn thương. Điều đáng chú ý hơn là các chuyên gia ILO khẳng định, ở quốc gia nào tỷ lệ nhóm việc làm dễ bị tổn thương càng cao thì tỷ lệ đói nghèo càng phổ biến.
Thực tế cho thấy đang có dòng di cư lao động từ nông thôn ra đô thị nhưng không làm thay đổi nhiều tỷ lệ lao động làm công ăn lương. Trong mười năm, tỷ lệ lao động khu vực đô thị đã tăng 3,8% trong tổng lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ lao động làm việc tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lại tăng 2,9%. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo về lao động di cư do C&D tổ chức đầu tháng 2-2010 cho rằng, lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều doanh nghiệp dân doanh hiện đang gặp quá nhiều khó khăn. Họ chủ yếu là lao động di cư do đó thiếu thốn về nhà ở, thiếu về điều kiện sinh hoạt tối thiểu do lương quá thấp. Trong khi đó, công tác tạo việc làm trong khu vực phi chính thức vẫn được hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Với số tiền 3.468 tỷ đồng được cho vay theo các dự án nhỏ để người dân tự tạo việc làm, hằng năm đã có khoảng 250.000 - 300.000 lao động được hỗ trợ vốn để tự tạo việc làm cho mình. Ngoài chương trình này và một số chương trình hỗ trợ nhỏ từ các dự án, hiện nay người lao động khu vực này vẫn không được bảo vệ từ các chính sách an sinh xã hội. Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, về lâu dài, để bảo đảm an sinh xã hội vẫn là làm cách nào đó để tăng lao động khu vực chính thức (làm công ăn lương) lên và giảm lao động nông nghiệp.
Như vậy, mặc dù chưa đưa ra được nhiều khuyến nghị, những giải pháp tối ưu nhưng dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên một báo cáo về xu hướng lao động Việt Nam được thực hiện qua sự hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật của ILO. Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, các chính sách về thị trường lao động cần phải được xây dựng trên nền tảng những số liệu chính xác và kịp thời. Tuy những số liệu phân tích xu hướng lao động ở đây chưa bảo đảm được sự kịp thời nhưng bản chất thị trường lao động nước ta chưa thay đổi trong nhiều năm qua do tồn tại tự nhiên, thì báo cáo này vẫn mang lại kỳ vọng nó sẽ ít nhiều tác động vào các chính sách điều hành thị trường lao động. Bởi muốn đạt được mục tiêu vươn tới nước có mức thu nhập trung bình thì nhất thiết phải thực hiện các chính sách thị trường lao động tốt để bảo đảm việc làm bền vững, giảm tỷ lệ "đói nghèo phổ biến".