Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an TP Hà Nội vẫn sẽ khôi phục biển cấm xe taxi, xe hợp đồng trên 10 tuyến đường

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, cánh lái xe taxi, xe ôm công nghệ đã có những tranh luận sôi nổi về việc khôi phục lại biển cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Theo họ, việc khôi phục các biển cấm này sẽ tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ.

Trước việc có thông tin khôi phục lại các biển cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn đề nghị bỏ chính sách cấm xe taxi hoạt động trên các tuyến phố trên địa bàn để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

 Sở GTVT cùng Công an TP Hà Nội thống nhất khôi phục biển cấm xe taxi, xe hợp đồng.

Sau khi nghiên cứu đề nghị của Hiệp hội và căn cứ vào tình hình thực tế trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP, liên ngành Sở GTVT và Công an TP Hà Nội đã thống nhất khôi phục lại biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 10 tuyến đường là: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Khâm Thiên, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Phủ Doãn (chiều Hàng Bông đi Tràng Thi), Trần Hưng Đạo (đoạn từ Trần Khánh Dư đến Trần Thánh Tông), Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ ngã ba Hồng Tiến đến cầu Chương Dương) và trên cầu Chương Dương (chiều từ quận Long Biên đi Hoàn Kiếm).
Lý giải về vấn đề này, đại diện Công an TP Hà Nôi cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc thực hiện các biện pháp giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra với ngành vận tải taxi, Công an TP đã phối hợp với Sở GTVT thực hiện công tác điều chỉnh giao thông dỡ bỏ các biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại 10/11 tuyến phố theo đề xuất của Hiệp hội. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát thì nhu cầu đi lại của người dân dần trở lại bình thường, dẫn đến tình trạng ùn, ứ giao thông tại các tuyến phố đã dở bỏ biển cấm.
Đặc biệt, các đoạn, tuyến hiện nay đang tổ chức cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi đều là các tuyến có mật độ giao thông lớn (là các tuyến cửa ngõ ra, vào TP; tuyến có xe buýt nhanh BRT; tuyến phân luồng phố đi bộ...), thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn, tắc giao thông. Cùng với đó, việc tổ chức hạn chế hoạt động trên 10 tuyến phố trên không phải áp dụng riêng cho xe taxi mà còn áp dụng cả đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (xe taxi công nghệ) nên không dẫn đến bất bình đẳng cho tài xế taxi truyền thống.
Cuối cùng, việc hạn chế hoạt động chủ yếu vào các khung giờ cao điểm, trừ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ (6 tuyến); phục vụ công tác phân luồng không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm vào tối các ngày cuối tuần (3 tuyến).
"Các tuyến phố hạn chế hoạt động của xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi nêu trên đều được bố trí hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe BRT với luồng tuyến và tần suất cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân" - vị đại diện này cho biết.