Các Bộ luật, Luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Kế toán; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Phí và Lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự.
7 Nghị quyết được công bố gồm: Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.
Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội được công bố, bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao. Đây là 4 chức danh đại diện cho những cơ quan đứng đầu Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đây là một nội dung mới thể hiện theo quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Về Luật Trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm nhấn mạnh: Việc ban hành Luật được khẳng định là phản ánh nhu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước. Luật cũng góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu. Để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân, Luật cũng quy định các điều kiện về kết quả trưng cầu ý dân như cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ¾ tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp, cần phải có 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.
Trả lời những câu hỏi của báo chí đặt ra về các bước cụ thể triển khai một quy định mới trong Luật An toàn thông tin mạng là thiết lập kênh thông tin trực tuyến để xử lý các phản ánh của người dân về các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Hiện nay có không ít các DN viễn thông, ngân hàng, siêu thị... đang thu thập thông tin cá nhân của chúng ta như tên tuổi, địa chỉ, điện thoại, email... Ngay trên mạng, cũng chỉ cần bỏ tiền ra là mua được cả danh sách số điện thoại kèm thông tin cá nhân của người dùng. Kênh nói trên là việc do ĐB Quốc hội đề xuất. Chúng tôi đang chạy thử nghiệm trên website của Cục, sắp tới sẽ triển khai chính thức. Bên cạnh đó sẽ có số đường dây nóng để người dân phản ánh việc họ bị các DN thu thập thông tin cá nhân. Nếu việc thu thập này là vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính".
Về vấn đề ngăn chặn thư rác như yêu cầu của Luật, Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc này đã được quy định trong các luật và nghị định của Chính phủ. Nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối. Vừa rồi có thông tin đã vô hiệu hóa 3,3 triệu thuê bao chuyên phát tán thư rác, chủ yếu là sim trả trước. Các DN viễn thông đang quản lý không tốt các sim trả trước này, hy vọng sau khi có luật và sửa đổi thông tin sẽ siết chặt hơn quản lý sim trả trước. Đồng thời, Luật cũng quy định khắt khe với các DN cung cấp các dịch vụ, sản phẩm thông tin.
Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: TTXVN
|