Các Luật này đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2.
* Hạn chế “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, ngoài việc bổ sung ngành “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh, còn bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, bổ sung 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, như kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự… Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ quy định về hai ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, gồm: “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô”.
Về những điểm nổi bật trong Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Luật đã quy định rõ nghiêm cấm các hành vi “thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản”. Việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá. Thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá… Đặc biệt, Luật còn bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.
Thông tin về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Luật có 9 Chương, 68 Điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo… Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, Luật có 12 điểm mới căn bản so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.