Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố chỉ số PCI 2009: Xếp hạng “Khá”, Hà Nội có đáng ngại?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đà Nẵng, Bình Dương tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng PCI 2009 (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Trong khi đó, Hà Nội vẫn “giẫm chân” ở nhóm xếp hạng “khá” (xếp thứ 33/63 tỉnh thành).

KTĐT - Đà Nẵng, Bình Dương tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng PCI 2009 (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Trong khi đó, Hà Nội vẫn “giẫm chân” ở nhóm xếp hạng “khá” (xếp thứ 33/63 tỉnh thành).

           
Việc xếp hạng PCI được thực hiện bởi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ).


PCI 2009: Ghi nhận thành quả bước đầu của Đề án 30

           
Điều tra PCI 2009 là tập hợp “tiếng nói” của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh cả nước nhằm đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường thế chế cấp tỉnh ở Việt Nam.

           
Đánh giá chung về bảng xếp hạng năm nay, VCCI cho rằng chất lượng điều hành chung của cả nước có sự cải thiện, thể hiện ở số tỉnh được xếp trong nhóm Rất tốt, Tốt và Khá đều tăng. Số tỉnh trong nhóm Trung bình, Tương đối thấp và Thấp giảm từ 34 xuống 10 tỉnh. Điều này cho thấy nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm của lãnh đạo các tỉnh thành phố bất chấp bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

           
Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu, chỉ số PCI năm nay ghi nhận những bước tiến đáng kể của Việt Nam về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là ở phương diện Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và Chi phí gia nhập thị trường. “Điều này có thể do Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30)” - ông Huỳnh phân tích. Một số lĩnh vực khác như Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý cũng có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức và Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh nhìn chung bị giảm sút rất đáng lo ngại.

           
Kết quả điều tra PCI gợi ý các địa phương có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách công bố công khai các văn bản và tài liệu kế hoạch như ngân sách tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để nhà đầu tư có thể dự báo tốt hơn khi đưa ra quyết định đầu tư. Đối với lĩnh vực lao động, các địa phương như Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những tấm gương tiêu biểu khi xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Cũng theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, lao động và nhân lực chính là vấn đề cần được các địa phương quan tâm cải thiện nhất hiện nay.


Vì sao PCI của Hà Nội lại “giẫm chân”?

           
Có thể nói, thứ hạng của Hà Nội trên bảng xếp hạng PCI các năm không có biến động đáng kể, chỉ lên xuống một vài bậc (năm 2008 xếp thứ 31/63, năm 2009 xếp 33/63 tỉnh thành) nhưng Thủ đô luôn nằm trọn ở nhóm xếp hạng “Khá”. Tháng 8/2009, phát biểu trước báo giới, Phó Chủ tịch UBND Tp Nguyễn Huy Tưởng còn đặt kỳ vọng sẽ đưa Hà Nội tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng PCI năm 2009. Và sự thực là Hà Nội đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Nỗ lực ấy được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện ở chỉ số PCI năm 2009, vị trí 33/63 là một thứ hạng tương đối trên bảng xếp hạng.

           
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, quyết tâm cải cách của chính quyền thành phố là khá rõ, song việc mở rộng địa giới và sáp nhập bộ máy hành chính của Hà Nội cũ với Hà Tây và một số huyện thuộc Vĩnh Phúc và Hòa Bình dẫn đến những khó khăn cản trở nhất định đối với sự vận hành của bộ máy điều hành. Hiện tượng một sở có đến hơn chục phó giám đốc, hàng chục trưởng phòng và phó phòng là rất phổ biến, bộ máy cồng kềnh nên sẽ khó có thể hoạt động trơn tru. Để đạt được mục tiêu thăng 10 bậc thì “Hà Nội cần phải nỗ lực hơn để nâng cao tính công khai minh bạch, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để thực hiện chính phủ điện tử, về mặt này Đà Nẵng là địa phương làm rất tốt” - ông Doanh bình luận.

           
Còn theo nhóm nghiên cứu PCI nhận định thì ở thời điểm hiện tại, những thay đổi của việc mở rộng Hà Nội chưa tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền thành phố vẫn cần phải chú trọng đến việc cải thiện công tác điều hành vì theo kết quả điều tra PCI 2009, không ít doanh nghiệp đã tỏ ra ít lạc quan ở phương diện này.

 

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu PCI, nếu tăng một điểm ở chỉ số Tính minh bạch trong PCI thì sẽ làm tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Nếu cải thiện một điểm ở chỉ số Đào tạo lao động có thể giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.