Ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của VKSNDTC cho biết, ngay sau khi vào cuộc làm rõ những dấu hiệu về bản án tù chung thân là oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, VKSNDTC đã ra quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn với tội "giết người" vào ngày 4/11.
Cũng theo thông báo từ người phát ngôn, vào ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung (SN 1988 tại Nhượng Ban - Lộc Bình - Lạng Sơn); nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk đã đến đầu thú tại cơ quan điều tra VKSNDTC về hành vi "giết người" và "cướp tài sản" đối với nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, VKSNDTC đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013, với tội danh "giết người" và "cướp tài sản" đối với bị can Lý Nguyễn Chung.
Ngay sau khi bắt giữ hung thủ vụ án, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã ra Quyết định bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (Bố của Lý Nguyễn Chung, SN 1950) về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng vụ án) và Quyết định tạm giữ hình sự đối với Lý Văn Chúc để phục vụ điều tra, làm rõ.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã nộp đơn kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan. Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn. Đến ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSNDTC. Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra VKSNDTC đã tổ chức 3 đoàn đi xác minh, lần theo chỗ ở và tại Bắc Giang nơi bố mẹ ruột đối tượng sinh sống.
Trong quá trình tìm hiểu, điều tra để tiếp cận hung thủ chính của vụ án này, đã rất nhiều lần cán bộ điều tra VKSNDTC gặp khó khăn do bị can Chung đã liên tục thay đổi số điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở, cũng như di chuyển khắp nơi từ Đắk Lắk đi Quảng Ninh, sang Trung Quốc… Sau đó, bằng sự thuyết phục của người thân, cuối cùng Chung đã ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm 15/8/2003 để cướp tài sản. Cũng theo lời người phát ngôn VKSNDTC, chưa thể nói gì về việc bồi thường vì chưa có kết luận cuối cùng từ tòa án.
Sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa mở vào hôm nay, 6/11/2013.
Cả gia đình xúc động khi ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa) trở về. Ảnh: TTXVN
|
Phải kiên quyết không để người dân bị oan sai
Bên lề hành lang Quốc hội ngày 5/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, sau 10 năm bị ngồi tù nay được về với gia đình.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong Luật Hình sự có nguyên tắc rất quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng cũng phải kiên quyết không để oan sai cho người dân. Trước băn khoăn của dư luận về không ít trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ, bị can… có dấu hiệu bị ép cung tại cơ quan điều tra dẫn đến mức khai nhận tội nhưng tại tòa đều phản cung, kêu oan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Theo quy định pháp luật, nếu có trường hợp bị ép cung là cơ quan chức năng làm trái pháp luật. Cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong trại giam”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn do đã có bản án nên trách nhiệm là của tòa án. Về vấn đề bồi thường cho ông Chấn, tiền bồi thường lấy từ ngân sách, còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn.
Phương Lâm
|