Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

Nghị định quy định nội dung quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam gồm:
1- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
2- Hợp tác quốc tế và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
3- Tổ chức lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
4- Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công bố, quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
5- Tổ chức thực hiện quản lý bảo vệ môi trường biển, quốc phòng, an ninh; kiểm tra, giám sát các hoạt động trên tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
6- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải.
Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về tuyến hàng hải, phân luồng giao thông và hoạt động của tàu thuyền trong lãnh hải Việt Nam.
Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về công bố, quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
Theo Nghị định, tàu thuyền đi qua lãnh hải Việt Nam nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam thực hiện hành trình theo tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam đã được công bố.
Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau: 1-Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; 2- Tránh, trú bão; 3- Thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển; 4- Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền; 5- Các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam
Nghị định nêu rõ tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải được phép đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tuân thủ quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển theo quy định của pháp luật.
Tàu thuyền khi đi qua lãnh hải Việt Nam phải treo cờ quốc tịch; thực hiện hành trình liên tục, nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82); trừ các trường hợp bất khả kháng, tàu gặp sự cố hàng hải, bị tai nạn; vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hoặc tàu bay đang gặp nạn trên biển hoặc theo thỏa thuận riêng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.
Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch theo quy định.
Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm có các nghĩa vụ sau: a- Mang đầy đủ tài liệu hồ sơ kỹ thuật liên quan đến tàu thuyền và hàng hóa trên tàu, tài liệu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc; b- Sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền và hàng hóa chở trên tàu thuyền; c- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt heo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; d- Tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ chất độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường.