Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công chức Nhà nước có được lãnh đạo Hội?

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/9, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 3, UBTV Quốc hội đã thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật về Hội.

 Công chức Nhà nước có được lãnh đạo Hội không, đó là vấn đề được nhiều ý kiến đưa ra. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: Vì liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Đang công tác nhưng lãnh đạo Hội thì không khách quan. Ví dụ như Thứ trưởng lại là Chủ tịch Hội Bất động sản thì không nên, chính sách bị méo mó đi.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu: Quy định công chức chỉ tham gia lãnh đạo Hội có đăng ký, nhưng phải được cấp có thẩm quyền phân công. Vậy cơ quan cho phép là cấp trên của cơ quan người đó đang làm việc hay cơ quan nào, vì có người tham gia rất nhiều Hội.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, giải trình trước vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Hội có 2 loại. Theo đó, Hội không đăng ký là tự nguyện thành lập, tự hoạt động trang trải như các hội đồng hương, hội thích yêu hoa, hội đồng ngũ…, đây là quyền thành lập Hội của công dân cho nên không hạn chế được. Còn Hội đăng ký là có tư cách pháp nhân cho nên về nguyên tắc cán bộ, công chức bị hạn chế tham gia. Nhiều ý kiến đề nghị cấm tham gia, tuy nhiên trên thực tế có việc Đảng, Nhà nước cử cán bộ cấp cao tham gia các Hội này, tham gia vào Đảng đoàn của Hội này. Bởi thực tế có một số Hội hoạt động, làm những việc Nhà nước giao. Cho nên cán bộ, công chức chỉ được tham gia Hội này khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân công. Đó chính là điều hạn chế quyền tham gia Hội của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhiều Thứ trưởng tham gia lãnh đạo các Hội như Hội Bất động sản, xây dựng. Vậy, chính sách Nhà nước và chính sách của Hội khác nhau thế nào, có khách quan không khi “tay trái, tay phải” cho nên cần rõ ràng. Và theo ông Phúc “đang công tác Nhà nước mà tham gia Hội là không khách quan”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lại nêu quan điểm, nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban Vận động thành lập Hội. Chuyện này rất nhiều nên trong Dự Luật, đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Vừa rồi biết sắp ra đời Luật về Hội, có một số Bộ trưởng gặp tôi, nói lo lắm bởi ở Bộ của họ đã có một số Hội rồi, mà Hội nào cũng ra đời chính đáng, cứ xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất mệt. Tôi nói cứ yên tâm, luật ra đời thì phải có nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng”. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá trên thực tế các Hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội hoạt động tốt, nhưng quá nhiều thành ra việc đi vận động DN, vận động tài trợ cũng khiến DN than vãn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm không nên trì hoãn việc trình Dự Luật ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới. Ra đời luật này để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền nghĩa vụ, điều cấm để quản lý Nhà nước.