Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công đoàn Thủ đô “Lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ”

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Tháng Công nhân” năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nhưng bằng nỗ lực của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã cùng doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh. Chỉ trong tháng 5 - Tháng của người lao động, các cấp Công đoàn Hà Nội tổ chức 1.281 chương trình kết nối yêu thương, cùng người lao động vượt khó với 146.730 người lao động tham gia.

173.731 đoàn viên được Công đoàn “Lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ”

Tuy lần đầu tiên được triển khai trong “Tháng Công nhân”, chương trình “Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ” nhằm lắng nghe đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, những câu chuyện cảm động trong lao động và cuộc sống được công đoàn cơ sở nhiệt tình hưởng ứng. Các cấp Công đoàn Thủ đô lựa chọn nội dung cấp bách, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đông đảo đoàn viên, người lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp, có hiệu quả. Qua thực tế hoạt động, đã có 1.361 CĐCS tổ chức chương trình “Lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ” với 173.531 đoàn viên, người lao động tham gia.
Việc tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để nắm bắt diễn biến, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, CNVCLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp càng được chú trọng trong bối cảnh đoàn viên, CNVCLĐ đang nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”. Trong Tháng Công nhân năm nay, có 1.736 Công đoàn cơ sở với 53.863 CNLĐ tham gia tại các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức đối thoại.
Các CĐCS đã chủ động gặp gỡ, trao đổi giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động với người lao động nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách trong đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động; rà soát, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có nội dung cao hơn pháp luật, có lợi cho người lao động như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của người lao động.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố thăm, tặng quà Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm 
Một chủ trương, hành động rất trúng, đúng, kịp thời của Công đoàn Hà Nội trong Tháng Công nhân trước bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa đến an toàn của CNLĐ các doanh nghiệp là chỉ đạo và thành lập các “An toàn Covid-19”. Tính đến ngày 7/6, thành lập được 10.468 tổ “An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp có tổ chức CĐ với 46.781 người tham gia, 2.355 tổ “An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp chưa có CĐCS với 7.759 người tham gia. Với nỗ lực của tổ chức CĐ, số lượng Tổ an toàn Covid-19 sẽ tăng đều trong những ngày sắp tới nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.
Kịp thời động viên, tặng quà cho CNVCLĐ khó khăn
Vấn đề thu nhập là vấn đề người lao động quan tâm nhất trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Để giảm bớt sự lo lắng trong công nhân lao động, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2021, các cấp Công đoàn Thành phố đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 141.950 đoàn viên, công nhân lao động với tổng số tiền trên 27 tỷ đồng.
Riêng Liên đoàn Lao động Thành phố đã chi 1,65 tỷ hỗ trợ CNLĐ bị tai nạn lao động nặng, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại tuyến đầu chống dịch. Ủng hộ Quỹ vaccine (Quỹ phòng chống dịch Covid-19) thành phố Hà Nội 450 triệu đồng; Ủng hộ 200 triệu đồng Liên đoàn Lao động 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch; Ủng hộ 12 tỷ đồng cho chương trình “Vắc xin cho công nhân”.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô chi hỗ trợ tập thể, cá nhân tham gia chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ cho tuyến đầu phòng dịch; hỗ trợ đối tượng F0 là đoàn viên 3 triệu đồng/người; đối tượng F1 là đoàn viên đang phải cách ly tại nơi cách ly tập trung 1,5 triệu đồng/người.
 Liên đoàn Lao động Thành phố trao Mái ấm công đoàn cho đoàn viên Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội 
Thiết thực “Cảm ơn người lao động”

Hoạt động “Cảm ơn người lao động” đã được thực hiện nhiều năm, khá sinh động, được sự đồng thuận của nhiều người sử dụng lao động, được đông đảo người laod dộng cảm nhận hạnh phúc hơn. Tháng Công nhân năm 2021, Ban chấp hành CĐCS doanh nghiệp chủ động đã đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức 1.281 chương trình kết nối yêu thương, cùng người lao động vượt khó với 146.730 người lao động tham gia, góp phần thể hiện sự cảm ơn người lao động đã gắn bó, đồng hành với đơn vị nhất là trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển kinh tế, góp phần thể hiện sự trân trọng, ghi nhận người lao động là vốn quý của doanh nghiệp.
Duy trì hoạt động khám sức khỏe, tư vấn pháp luật miễn phí cho CNLĐ.  LĐLĐ Thành phố phối hợp với bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 416 CNLĐ, siêu âm cho 1.600 lượt CNLĐ, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tổ chức 25 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, chế độ tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và các chế độ chính sách  liên quan tới người lao động cho 2.350 CNLĐ, tư vấn cho hơn 450 CNLĐ qua điện thoại cho CNVCLĐ.
Sự nỗ lực của tổ chức Công đoàn và toàn xã hội chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tạo nên niềm tin đối với đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên. CNVCLĐ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tổ chức Công đoàn Thủ đô là phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật lao động và công đoàn trong doanh nghiệp, tổ chức đối thoại giữa CNLĐ với lãnh đạo Đảng, chính quyền và chủ doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc của CNLĐ ở cơ sở. Duy trì thành lập, đưa mô hình “Tổ An toàn Covid-19” hoạt động hiệu quả, giúp đoàn viên, người lao động đoàn kết, đồng lòng cùng Công đoàn, doanh nghiệp vững vàng trước đại dịch.