Diễn đàn có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các bộ trưởng, thứ trưởng của các bộ, ban ngành, cùng nhiều chuyên gia đến từ trong và ngoài nước.
VBF diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đồng thời đe dọa trực tiếp đến hoạt động hàng hải, thương mại quốc tế và gây mất an ninh, phá vỡ sự ổn định tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Sự kiện này cũng dẫn tới sự việc đáng tiếc khi các công nhân yêu nước tại một số tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh… bị các đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục gây ra các hành động đập phá vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các nhà đầu tư đánh giá cao các giải pháp kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ các DN nước ngoài bị thiệt hại sau sự việc đáng tiếc này. Cộng đồng kinh doanh đặt niềm tin vào quyết tâm và hành động của Chính phủ trong bối cảnh đặc biệt quan trọng có nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay. Các nhà đầu tư cũng bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ về những nỗ lực nhanh chóng kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà đầu tư và thực hiện những biện pháp trợ giúp kịp thời đối với các doanh nghiệp bị hại tại các địa phương vừa qua.
Tuy nhiên, ông Fred Burke - đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư & Thương mại đánh giá chưa thể thống kê toàn bộ ảnh hưởng sau các cuộc gây rối ở một số khu công nghiệp. "Chúng ta vẫn đang nhận được các báo cáo về tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong một số ngành kinh tế, đặc biệt là một số ngành liên quan đến xuất khẩu mà từ trước đến nay vẫn đóng vai trò then chốt đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam", bài tham luận của vị này nêu.
Nhóm công tác cho rằng biện pháp cấp thiết là phải giảm nhẹ ảnh hưởng đến những người công nhân, thông qua xúc tiến nhanh trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó bảo đảm doanh nghiệp trả lương được kịp thời.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các giải pháp Chính phủ đưa ra là tương đối đồng bộ và kịp thời, tuy nhiên vẫn có vướng mắc trong quá trình thực hiện", ông Lộc nhận xét. Do đó, vị này kiến nghị cần phải cụ thể hóa và có sự phối hợp thực thi tốt hơn giữa chính quyền các cấp, thông qua thiết lập một Ban chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là bảo đảm tiền lương và việc làm.
Người đứng đầu VCCI cũng đưa ra thông tin, 98-99% các doanh nghiệp bị hại đã trở lại hoạt động bình thường là những con số biết nói khẳng định các biện pháp của Chính phủ đã có tác dụng thiết thực. Ngay cả các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn nhất mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn được giữ vững.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó đặc biệt là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán trong tháng 10/2014.
Ông Lộc kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt trong việc thúc đẩy các FTAs mà Việt Nam đang theo đuổi.
Để doanh nghiệp có lợi nhất trong các FTAs tới đây, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần có phương án đàm phán mềm dẻo nhưng kiên quyết về các lợi ích xuất khẩu của doanh nghiệp, bao gồm các vấn đề về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ phù hợp với cơ cấu, phương thức sản xuất trong tương lai gần của Việt Nam.
Ngoài ra, cần đàm phán mạnh dạn và tích cực hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa và máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm tương tự khác mà Việt Nam vẫn bảo hộ lâu nay nhưng không hiệu quả hoặc hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước không tham gia đàm phán.
Nguồn Internet
|