Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai nguyên nhân vết nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vết nứt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ngày 29/10, Phó Thủ tướng Chính...

Kinhtedothi - Liên quan đến vết nứt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ngày 29/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục chỉ đạo khắc phục sự cố nêu trên và công khai dư luận về nguyên nhân sự cố đồng thời có giải pháp ngăn ngừa các sự việc tương tự.

Trước đó, ngày 17/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về sự cố lún nứt trên cao tốc dài nhất Việt Nam trong đó khẳng định đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, khách quan, xảy ra ngoài sự kiểm soát của chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu.
Vị trí vết nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Vị trí vết nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Báo cáo nêu rõ, vết nứt có chiều dài 73m tại Km82+997-Km83+070, thuộc gói thầu A4 trên dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai được thực hiện bởi Tư vấn thiết kế OC của Nhật Bản, nhà thầu Keangnam của Hàn Quốc thi công và Tư vấn giám sát là Getinsa của Tây Ban Nha.

Theo đại diện các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án, nguyên nhân gây ra vết nứt là do bất thường về địa tầng tại mặt cắt địa chất ở trung tâm cung trượt (km83+025), do đất trượt trên mặt đá nghiêng, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc, làm mất ổn định, gây ra nứt mặt đường.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, mặc dù, chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu đã tính toán xử lý ngay trong quá trình thi công với hệ số an toàn nhất, nhưng cũng không lường hết sự phức tạp của nền địa chất có biến đổi bất thường nên đã lắp dựng hệ thống quan trắc, theo dõi trong quá trình khai thác để xử lý khi có sự cố xảy ra.

“Mặt khác, đây là gói thầu được triển khai chậm hơn các gói thầu khác của dự án do thiếu vốn nên các bên đã lựa chọn giải pháp quan trắc, theo dõi bù lún trong quá trình khai thác nhằm tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa gói thầu vào khai thác đồng bộ với các gói thầu khác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án,” báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Nhằm khắc phục sự cố này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các bên liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp nhằm giải quyết triệt để vết nứt, bảo đảm chất lượng và ổn định lâu dài cho công trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan chức năng chậm nhất đến ngày 20/12/2014 phải khắc phục xong vết nứt mặt đường cao tốc này.

Liên quan đến kinh phí xử lý, mới đây, nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) đã nhận trách nhiệm và cam kết sử dụng mọi nguồn lực của Tập đoàn sẽ nhanh chóng khắc phục lún nứt trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Ông Jang Hae Nam, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Keangnam Enterprise cũng thừa nhận thời gian qua Tập đoàn có khó khăn về huy động vốn lưu động và chưa có kinh nghiệm trong huy động nhà thầu phụ nên đã để chậm tiến độ dự án.

Với tư cách là nhà thầu chính của 2 gói thầu A4, A5, Chủ tịch Hae Nam Jang gửi lời xin lỗi tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những chậm trễ trong thi công gói thầu A4, A5 thuộc đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

“Sự cố này đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận Việt Nam, ảnh hưởng tới uy tín của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư-Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và uy tín của nhà thầu Keangnam,” vị Chủ tịch, Tổng Giám đốc Keangnam Enterprise cho biết.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Keangnam muốn nhấn mạnh rằng, trong quá trình thi công xây dựng dự án, nhà thầu đã tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Tư vấn đồng thời khẳng định giữa chủ đầu tư, Tư vấn và nhà thầu không hề có tiêu cực trong quá trình triển khai thi công dự án.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 245km được chia làm 8 gói thầu xây lắp từ A1-A8 và được thông xe vào ngày 21/9 vừa qua. Vết nứt có chiều dài 73m tại Km82+997-Km83+070, thuộc gói thầu A4 của tuyến đường này.

Theo đại diện VEC, còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4. Cụ thể như tại Km33, Km44, Km46 (gói thầu A2), Km49, Km50, Km77, km79 (gói thầu A3); và Km82+500-Km83+500, Km89 (gói thầu A4).