KTĐT - Tiến sâu hơn vào tâm lũ, thôn Tài Năng, Tùng Lộc, khung cảnh còn bi thương hơn nhiều. Nước ở đây rút rất chậm nên hầu hết nhà cửa vẫn chìm trong một màu trắng xóa. Người dân phải tận dụng mọi cách có thể để kiếm được miếng ăn ngày đói.
Dọc các triền đê của tỉnh Hà Tĩnh, ở bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc lều dựng tạm. Nước lũ đến, cuốn tan đi hàng trăm căn nhà. Những người dân nơi quê hương Hà Tĩnh đã kiệt sức qua mấy ngày mưa rát mặt, trắng trời. Giờ, họ lại phải chật vật hứng cái nóng cháy người, cố tìm những gì còn sót lại, đợi tới ngày lũ rút.
Xóm tạm trên những triền đê
Dọc con đường nhỏ chạy trên triền đê Sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh), hàng chục chiếc lều tạm đã dựng lên vài ngày nay. Từ hôm lũ đến, giật đổ hàng chục ngôi nhà trong huyện, bà con nơi đây đã rơi vào cảnh khốn đốn.
Đầu tuần này, mưa ngớt được nửa ngày, những tưởng nước lũ sẽ theo nhau mà đi. Nhưng ai ngờ, đến tối, trời lại nổi mưa ầm ầm. Đê bao khu vực huyện Đức Thọ không chịu được mà vỡ tung một đoạn dài mấy chục mét. Dòng nước đục ngầu lại đua nhau kéo vào nhấn chìm những ngôi nhà nơi này.
Anh Đinh Văn Ba, xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một trong những người phải chạy lên mặt đê ở sớm nhất. Nhà anh ở tít sâu nơi trũng nhất của huyện. Nước lũ đến chẳng kịp trở tay. Anh chỉ kịp kéo mấy mẹ con với chút quần áo chạy sang mấy nhà hàng xóm. Nhưng rồi, dòng nước cũng chẳng chịu tha. Nước dâng ngày một cao, ngập quá đầu người. Vợ chồng anh đành dắt nhau lên tận phía đê bao Sông La đợi ngày nước rút.
Dẫn chúng tôi vào căn lều cột tạm vào mấy chiếc cọc tre, anh Ba bảo, tối tối, gió hút từ phía bờ sông lên, thổi thông thống qua mấy chiếc bạt gá tạm không sao ngủ được.
Đồ ăn hai ngày nay của cả nhà anh cũng bữa được bữa chăng. Một mình anh phải chạy vạy xuống mấy nhà gần đó vay tạm ít gạo, ít củi về nấu cơm. Hôm nào may mua được ít thức ăn, hai anh chị mừng mừng tủi tủi để dành cho con. Còn anh chị 2 hôm rồi chỉ triền miên với mỳ tôm sống.
“Mong sao nước rút nhanh để hai vợ chồng sớm được về nhà, rồi còn bắt tay vào dựng lại nhà,” anh Ba thở dài.
Phía sau căn lều nhà anh Ba, hàng chục tấm bạt xiêu vẹo cũng đang rồng rắn cắm cọc phía trên mặt đê.
Cùng với các hộ dân thường trú trên đê là các gia súc lớn chạy lũ, anh Ba nói, tài sản lớn nhất của anh và các gia đình lúc này là những con trâu, con bò thoát được lũ.
“Cũng may mà lũ trâu bò này chạy được theo người nên giờ tôi phải chăm sóc cẩn thận để có thể có chút vốn khi bán đi,” anh Ba chia sẻ.
Nói đoạn, người đàn ông 43 tuổi nhìn ra triền đê đầy nắng. Từng đàn trâu đang gặm cỏ ven đê, tiếng bê con í ới gọi mẹ, tiếng trẻ con nô đùa trong nắng chói chang, phía dưới trong vùng bao đê, nước vẫn ngập trắng xóa tình cảnh của những hộ dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào sự dâng lên hạ xuống của dòng nước.
Cánh đồng “xi măng” thóc ướt
Trong những ngày ghe nhỏ, thuyền lớn cùng các đoàn cứu trợ “tìm dân” trong rốn lũ Can Lộc, hình ảnh chúng tôi thường gặp nhất là những “nong” lúa phơi giữa trời. Những ngày này, mây Hà Tĩnh bị siêu bão Megi hút hết khỏi bầu trời, nắng như đổ lửa. Nhân dân, sau nhiều ngày chỉ thấy mưa đổ ào ra phơi lúa.
Trên dài đê sông Nghèn chạy bao quanh Can Lộc, những người phụ nữ đã còng lưng trải thóc từ khi nắng mới bắt đầu. Đứng chông chênh sát mép nước, bà Nguyễn Thị Tửu, xóm 5 xã Tùng Lộc mếu máo: “Nhà có 8 tạ thóc, chừ cả 8 đều ngập, lên mầm hết. Giờ phải đưa ra phơi, cố được bao nhiêu thì cố.”
Trước mặt bà lão 68 tuổi ấy, cả triền đê đầy thóc ướt. Xung quanh, bao bố vứt đầy.
Ngay cạnh bà Tửu, chị Đặng Thị Oanh từ mấy ngày nay cũng phải còng mình trên “cánh đồng xi măng” để cứu lúa. Cầm từng vốc lúa ướt sũng trải ra đất, chị Oanh bảo, tất cả tài sản của cả nhà 5 miệng ăn giờ chỉ còn trông vào 10 tạ thóc ướt, nếu không phơi thì chẳng biết sau này sẽ lấy gì để sống.
Đau xót nhất, trên những triền đê sông Nghèn ấy, chúng tôi thấy cả những người đàn bà ngồi ngẩn ngơ bên “triền thóc” đã nở bung nhà mình. Xen lẫn những khoảng vàng của lúa là lỗ chỗ những mảng trắng của thóc lên mầm. Đứng gần, mùi chua đã bốc lên ngai ngái.
Nước mắt vẫn chưa dứt từ ngày lũ về, chị Phước giờ lại phải oằn lưng tìm cách mưu sinh cho cả gia đình. Nhưng, số thóc của nhà chị, do không được kê lên cao nên bị lũ dữ “ngoạm” hết vào lòng. Đến ngày hôm nay, chị mới cùng chồng lặn xuống dưới hơn mét nước vớt lên thì toàn bộ số thóc đã hỏng hết.
“Đổ ra, chỉ thấy trắng xóa như giá, chừ biết làm chi hả chú,” chị Phước mếu máo.
Cái ăn mất trắng ngay trước mắt. Cái đói hiện về hằn sâu trên gương mặt lem luốc của người đàn bà đất lũ. Mùi thóc lên mầm vẫn cứ ngái nồng ngay bên cạnh.
Nhiều người tiếc của, cứ đi lúa mãi trên những cánh đồng thóc giống của mình. Bàn chân họ nảy máu vì vỏ trấu đâm xiên vào. Và đôi mắt, vẫn cứ cúi mãi xuống trên số tài sản duy nhất còn lại của mình.
Tiến sâu hơn vào tâm lũ, thôn Tài Năng, Tùng Lộc, khung cảnh còn bi thương hơn nhiều. Nước ở đây rút rất chậm nên hầu hết nhà cửa vẫn chìm trong một màu trắng xóa. Người dân phải tận dụng mọi cách có thể để kiếm được miếng ăn ngày đói.
Anh Đinh Văn Hậu từ đợt lũ lớn đã tự trở thành một ngư phủ. Trên chiếc thuyền nan, sáng sớm anh Hậu đã cùng cậu con trai thả lưới dọc bờ sông để kiếm thêm chút cá cho bữa ăn hàng ngày. Chỉ có mấy ngày, da anh đã sạm đen vì nắng gió. Rồi khi mặt trời lên cao, hai bố con lại vội trở về nhà, mang lúa hong trên nóc nhà.
Câu chuyện mưu sinh trên đỉnh lũ lại còn được góp vào bởi những cái chết. Chị Nguyễn Thị Mỹ, thôn Tân Quang, Tùng Lộc trong đêm lũ về, chỉ để cứu 2 tạ thóc ra ngoài cho cả gia đình ăn, đã bị lũ cuốn phăng.
Cho đến tận bây giờ, hai đứa con của chị, trong cơn đói quặn lòng vẫn cứ nằng nặc khóc đòi mẹ. Cái đói và nỗi đau mất mẹ khiến cho căn nhà nhỏ càng trở nên tang thương hơn.
Cũng trong những ngày cùng đội cứu hộ lênh đênh trên biển nước Hà Tĩnh, chúng tôi phải chứng kiến cái đói dày vò người dân. Anh Trần Tình Thương, khối 9, thị trấn Can Lộc trong suốt 8 ngày từ đợt lũ vẫn cố cầm hơi bằng số thóc ướt và mấy gói mỳ tôm cứu trợ.
Những con người như anh Thương, anh Hậu ngày ngày vẫn phải tìm mọi cách để tự gồng mình lên, vượt qua cơn lũ dữ./.