Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường còn nhiều yếu kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và giải pháp quản lý thị trường...

Kinhtedothi - Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và giải pháp quản lý thị trường (QLTT), ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là hai vấn đề "nóng" trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) chiều 17/11. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng chưa hoàn toàn thỏa mãn kỳ vọng của nhiều ĐB Quốc hội và cử tri cả nước. 

Chính sách CNHT đã có nhưng chưa đầy đủ
Công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường còn nhiều yếu kém - Ảnh 1

ĐB Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) cùng một số ĐB khác đặt vấn đề: Dù hơn 10 năm qua không phải Việt Nam không có chính sách phát triển một số ngành CNHT, nhưng tại sao đến nay lĩnh vực quan trọng này chưa có những khởi sắc đáng kể. Vậy có phải do Việt Nam vẫn thiếu chính sách cụ thể thúc đẩy CNHT, và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan cũng như cá nhân Bộ trưởng Bộ Công Thương ở đâu?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thời gian qua không phải trong nước không có những cơ chế chính sách thúc đẩy CNHT, song thứ nhất, cấp độ pháp lý của những chính sách này còn thấp, chưa có nghị định và luật. "Chính sách cho CNHT đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển" - Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hoàng, thực tế phát triển CNHT đòi hỏi phải có quy mô lớn để đáp ứng sản xuất (SX) số lượng lớn, với giá thành cạnh tranh được. CNHT phụ thuộc vào quy mô của việc SX sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa có dung lượng thị trường còn nhỏ.

Đơn cử với lĩnh vực ô tô, dung lượng thị trường phải đạt tối thiểu 100.000 xe thì DN CNHT mới phát huy được, song thực tế Việt Nam chưa đạt được. Trong khi ngành dệt may hay da giày, sản lượng SX đã đạt tương tối lớn, tỷ trọng hàng hóa đã tăng lên, nên ngành dệt may đã tự lo được 50%, da giày chủ động được 60% nguyên phụ liệu SX trong nước.

Thứ ba, sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng ngày càng được quyết định bởi các DN lớn. Trong khi đó, các DN đa quốc gia thời gian qua thường xuyên sử dụng mạng lưới vệ tinh, nên DN Việt Nam trong điều kiện "sức yếu" mà giờ muốn chen chân vào mạng lưới giá trị toàn cầu là hết sức khó khăn. Nguyên nhân cuối cùng, là do đặc thù của lĩnh vực SX CNHT làm thâm dụng nhiều lao động, thậm chí cần các nghệ nhân, trong khi Việt Nam đang rất thiếu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ riêng về nội dung nâng cao chất lượng nhân lực ngành CNHT.

Nhận trách nhiệm về “lỗ hổng” quản lý thị trường

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB nhận định, tình trạng một số sản phẩm dù trong nước đã SX được nhưng vẫn xảy ra nhập lậu qua biên giới, gây ảnh hưởng xấu đến SX trong nước. Ông Vũ Huy Hoàng thẳng thắn: "Đây là vấn đề nhức nhối đã tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được triệt để, dù các lực lượng chức năng, trong đó có QLTT đã rất cố gắng. Trong báo cáo kiểm điểm của cá nhân vừa qua để lấy phiếu tín nhiệm, cá nhân tôi đã nhận trách nhiệm".

Theo Bộ trưởng, việc chống buôn lậu qua biên giới trước hết thuộc trách nhiệm của ngành công an, quốc phòng... còn khi hàng lậu, hàng giả vào trong nước thì QLTT là chủ công. Thực tế, số vụ vi phạm gian lận thương mại tại thị trường trong nước năm sau cao hơn năm trước, kèm theo số vụ xử phạt cũng tăng (tăng 10 - 12% trong 10 tháng năm nay). Nguyên nhân trước hết do dung lượng thị trường tăng mạnh, nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, kéo theo một số phần tử lợi dụng sự mở cửa kinh tế để đưa hàng giả, hàng kém vào nội địa. "Lực lượng QLTT đã cố gắng nhưng công cụ, phương tiện và trang thiết bị vừa thiếu vừa yếu, nhất là dụng cụ đánh giá chất lượng sản phẩm. Thậm chí có lúc, nhiều cán bộ phải dùng miệng để xác định chất lượng phân bón trên thị trường. Bên cạnh đó, không loại trừ trong đội ngũ QLTT vẫn tồn tại tiêu cực, chưa làm hết trách nhiệm, bao che sai phạm" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đồng thời khẳng định: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, tuy không đo lường được bằng năm nhưng với sự ra đời Ban chỉ đạo chống buôn lậu quốc gia, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, không có lý do gì để không tin rằng công tác này sẽ được cải thiện trong các năm tiếp theo".
Xung quanh câu hỏi về vai trò kiềm chế giá cả các mặt hàng nhạy cảm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Giá sữa do Bộ Tài chính, giá thuốc do Bộ Y tế, còn Bộ Công Thương có QLTT đã và sẽ cùng Thanh tra Tài chính, Y tế kiểm tra các cửa hàng kinh doanh có niêm yết và bán đúng giá niêm yết hay không.

Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ kiểm soát giá sữa, từng bước đưa giá thuốc về đúng giá trị thật. Với xăng dầu và điện, sau khi thực hiện Nghị định 84 và mới thay thế bằng Nghị định 83, giá xăng dầu đã bám theo thị trường, với 9 lần giảm và 5 lần tăng giá trong năm nay, trong đó tổng giá trị giảm là hơn 4.000 đồng - cao hơn tổng giá trị 5 lần tăng. Giá điện cũng đang dần bám theo giá thị trường, đảm bảo DN kinh doanh hiệu quả trên tinh thần hỗ trợ các hộ nghèo... Từ tháng 8/2013 đến nay, chưa phải tăng giá điện lần nào, và tới đây nếu có điều chỉnh cũng sẽ theo cơ chế thị trường.