Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp hóa nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Chiều 13/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt 68 đại biểu hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu, nông dân có sáng chế, sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp.

Đây là những gương mặt tiêu biểu tham dự Lễ tôn vinh được tổ chức vào tối cùng ngày, đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Lễ tôn vinh nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh các mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân có các sáng chế, sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, đề cao vị thế, vai trò của nông dân trong sản xuất; khích lệ, quảng bá, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới.
Các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại trên 160 quốc gia trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản những năm gần đây đều đạt mức 30 tỷ USD; 10 tháng của năm 2016 đã đạt 26,4 tỷ USD.
Hiện nay, cả nước có khoảng 11 nghìn hợp tác xã, 56 nghìn tổ hợp tác, 18,3 triệu hộ nông dân.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Trong những thành tựu đạt được có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác và nhà nông có sáng chế, sáng kiến trong sản xuất.
Những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới ra đời trong thời gian qua là sự kết tinh của trí thông minh, sự sáng tạo của nông dân để liên kết, hỗ trợ, hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
So với trước đây, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân đã có nhiều thay đổi.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác không còn bó hẹp ở phạm vi thôn, xóm, làng xã mà đã mở rộng giới hạn phạm vi hành chính.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được tổ chức theo ngành hàng, sản phẩm, gắn kết với doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị cao; đó là những hợp tác xã, tổ hợp tác tự nguyện của nông dân, được pháp luật bảo đảm.
Qua nghe báo cáo của các đại biểu về những công cụ, máy móc, thiết bị đã và đang được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa sản xuất của hộ gia đình nông dân với doanh nhiệp, thị trường, tạo ra chuỗi giá trị cao, bảo đảm sản xuất bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.
Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng và cảm phục những nhà nông tuy không có trình độ chuyên môn cao về khoa học-công nghệ nhưng qua thực tiễn lao động, sản xuất đã luôn luôn trăn trở, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tự học hỏi, tự bỏ tiền mua vật tư, máy móc để tự nghiên cứu, có các sáng chế, sáng kiến rất có giá trị.
Từ đó cải tiến hoặc chế tạo mới những công cụ, máy móc, thiết bị, ứng dụng rất có hiệu quả vào sản xuất của gia đình và địa phương; một số công cụ, máy móc được sản xuất trên quy mô lớn, cung cấp cho cả nông dân của nước bạn Lào, Campuchia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế​-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, trong đó hai chủ trương lớn đã và đang được tiếp tục triển khai mạnh mẽ là tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nông nghiệp nước ta có bước chuyển biến về chất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và thu nhập của nông dân.
Cùng với đó là biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả và các tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có sáng chế, sáng kiến trong sản xuất; tổng kết thực tiễn, đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các đại biểu hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân có sáng chế, sáng kiến trong sản xuất tiếp tục phát huy những kết đã đạt được, trở thành những nhân tố tích cực nhất cùng chung tay thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và tích lũy ngày càng nhiều hơn về vốn, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý.
Các đại biểu là nông dân có sáng chế, sáng kiến trong sản xuất cần chủ động hợp tác với các nhà khoa học, các doanh nhân nhằm hoàn thiện sáng chế, sáng kiến, đăng ký bản quyền, chuyển giao để có thể sản xuất các loại máy móc, công cụ, thiết bị trên quy mô lớn.