Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam là rất lớn. Với mức thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu sử dụng ô tô của người tiêu dùng ngày một lớn. Đây thực sự là những điều kiện để các doanh nghiệp ngành ô tô trong nước đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa, sớm mang đến cho người Việt giấc mơ sử dụng ô tô “made in Việt Nam” trở thành hiện thực.
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ có nhiều cơ hội được chuyển giao công nghệ mới từ Nhật Bản. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà đang phát triển khá ì ạch so với nhu cầu nội địa hóa của ngành ô tô Việt, khiến cho mục tiêu nội địa hóa ngành ô tô đang ngày càng trở nên xa vời. Nhiều ý kiến cho rằng, không còn sớm, đây là thời điểm ngành ô tô trong nước cần đẩy mạnh mục tiêu này, bằng cách nâng cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Để thực hiện được yêu cầu đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải nâng cao năng lực sản xuất khả năng quản trị. Thời điểm này chính là lúc các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, kỹ thuật khả năng quản trị kinh doanh… để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các công ty, tập đoàn toàn cầu, từ đó xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ô tô có chất lượng ra thị trường thế giới.
Tại Hội thảo trang bị tâm thế - nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô diễn ra mới đây, ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện nay chính là lúc doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác bền vững hơn, vì các doanh nghiệp đã tiến gần lại với những điểm chung cơ bản.
Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ sớm vươn tới khả năng sản xuất các sản phẩm, linh kiện chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của ngành ô tô nước nhà.
“Trong xu thế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, xu thế tất yếu là ô tô điện các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Công ty NC Network Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam làm được những điều này bằng rất nhiều hình thức hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, và thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi giữa hai bên Việt – Nhật”, ông Otsuka Tetsuhisa nhấn mạnh.
Trong vai trò của một nhà quản trị, TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Viện Quản trị tinh gọn GKM nhận định, năng suất lao động của người Việt Nam hiện chỉ bằng 1/10 người Nhật, 1/15 người Singgapore nên các doanh nghiệp ô tô Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, dữ liệu để nâng cao năng suất lao động và một trong những yếu tố tăng năng suất chính là tâm thế.
Bởi, tâm thế liên quan nhiều đến ý thức của con người, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh của doanh nghiệp. Mỗi cán bộ nhân viên của một công ty phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, điều đó cũng chính là việc làm có ích cho bản thân, cho công ty và cao hơn là đóng góp trách nhiệm với toàn xã hội.
“Các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cần phải học hỏi nhiều từ các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là việc bổ sung thêm những phương thức quản trị mới, từ những chi tiết rất nhỏ. Doanh nghiệp Việt cũng cần phải lưu ý khi làm việc là làm cho chính bản thân mình từ những điều nhỏ nhất”, TS. Nguyễn Đăng Minh lưu ý.
Gợi ý mô hình quản trị tinh gọn xuất phát từ Nhật Bản (Công ty ô tô Toyota), TS. Nguyễn Đăng Minh cho rằng, cần lấy doanh nghiệp ô tô làm trung tâm để Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ. Công tác quản trị cực kì quan trọng đối với việc ra đời của một sản phẩm tốt và tại Việt Nam, công tác quản trị cần được “Việt Nam hóa” từ các mô hình của Nhật Bản, Mỹ, Đức… để từ đó xây dựng văn hóa quản trị doanh nghiệp mạnh hơn, chuẩn quốc tế hơn.
“Cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp quốc tế, bản thân mỗi doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng cần phải tự nỗ lực vươn lên. Cùng với đó, phía các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản cũng cần hạ thấp tiêu chuẩn để các doanh nghiệp có thể gặp được nhau trong các mối quan hệ hợp tác”, TS. Nguyễn Đăng Minh chỉ rõ.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, nếu doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có sự hợp tác và phân chia công việc sẽ tạo ra những giá trị sản phẩm mới. Đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, phía Nhật Bản luôn có kỹ thuật tốt, sẵn sàng hợp tác, chuyển giao để tạo ra những sản phẩm kĩ thuật cao, đáp ứng tốt cho nhu cầu của các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng như nước ngoài.