Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nhận "Cây di sản Việt Nam" cho cây Thị 312 tuổi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cho đến nay, cây Thị đã sống đúng 312 năm; cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m.

KTĐT - Cho đến nay, cây Thị đã sống đúng 312 năm; cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m.

Chiều qua 5/11, tại nhà thờ họ phái Thân Văn, làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân (TP Huế) đã diễn ra lễ công nhận và gắn biển “Cây di sản Việt Nam” cho cây Thị có tuổi đời 312 năm.

Đây là cây di sản đầu tiên được vinh danh tại Thừa Thiên - Huế, hưởng ứng năm quốc tế về đa dạng sinh học.

 

Khởi thủy, cây Thị này do ông Thân Văn Thẩm (1671-1758) - Thủy tổ phái Thân Văn đem hạt giống từ quê nhà về trồng tại làng Dương Xuân Hạ năm 1698 để làm mốc địa giới cho con cháu.

 

Trải qua hơn 300 năm sinh trưởng phát triển, dưới sự chăm sóc của 9 thế hệ hậu duệ nối tiếp nhau, “cụ” Thị đã vượt qua nhiều phong ba bão táp, bom đạn chiến tranh và luôn xanh tươi, hàng năm ra hoa vào tháng 5 và kết trái trong mùa hè.

 

Cho đến nay, cây Thị đã sống đúng 312 năm; cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m.

 

Trong Tết Mậu Thân 1968, lõi của cây Thị có một phần bị thối rỗng do bị một mảnh bom găm vào làm chồi chính của cây bị hư hại. Sau 30 năm, cây dần dần hồi phục và xanh tốt cho đến ngày nay. Đặc biệt trong thế kỷ 20, cây Thị này gắn liền với tên tuổi một người con họ Thân: Đại tá Thân Trọng Một, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Tại lễ vinh danh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã gắn bia “Cây di sản Việt Nam” tại cây Thị. Bia được làm bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng.

 

Đây là lần thứ 2 sự kiện cây di sản được vinh danh trên toàn quốc. Vào tháng 10 năm nay, 9 cây Muỗm tại đền Voi Phục, quận Tây Hồ (Hà Nội) lần đầu tiên đã được VACNE công nhận là cây di sản. Hiện “cụ” Thị này là cây di sản thứ 10 tại Việt Nam.

 

Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch VACNE, việc tổ chức công nhận “Cây di sản Việt Nam” có ý nghĩa to lớn trong tư duy và sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gen sinh học ở những cây quý hiếm và. Rộng ra là bảo tồn sự dạng sinh học trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thời gian tới, Hiệp hội này sẽ tiếp tục công nhận những cây di sản tiếp theo tại các địa phương trên cả nước.
 
Công nhận "Cây di sản Việt Nam" cho cây Thị 312 tuổi - Ảnh 1
"Cụ" Thị hơn 300 tuổi.

 

Tiêu chí “Cây di sản Việt Nam” đánh giá trên 3 loại cây: Cây tự nhiên, cây trồng và các loại khác. Trong đó cây tự nhiên phải sống trên 200 năm, cao to (cây gỗ đơn thân cao trên 40m có chu vi trên 6m; cây đa, si cao trên 25m có chu vi trên 15m), có hình dáng đặc sắc, ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

 

Cây trồng phải sống trên 100 năm. Loại cây gỗ đơn thân cao trên 30m có chu vi trên 3,5m; cây đa, si cao trên 20m có chu vi trên 10m. Cây phải có hình dạng đặc sắc, ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Riêng về các cây khác thì phải là loài cây cảnh độc đáo, có giá trị đặc biệt về mặt khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hóa hay mỹ quan.