Công nhân giữ vai trò tiên phong để phát triển bền vững đất nước

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự diễn đàn về chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ảnh: VGP
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Khái quát về các nội dung của chương trình thảo luận, Thủ tướng gợi mở vấn đề để các đại biểu thảo luận.
Cụ thể là: Nhìn nhận về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới? Có nhận xét gì về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua? Có hiến kế gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn trong thời gian tới? Nhìn nhận về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ người lao động? Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay như thế nào?... Đồng thời, gợi mở về việc Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước?
Nâng cao năng suất lao động
Theo Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương, năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam nói chung đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó, bà Hương kiến nghị Chính phủ cần thống kê số liệu để định hướng cho người lao động (NLĐ). Các DN cần nâng cao ý thức, sự chuyên nghiệp của NLĐ, tạo tác phong công nghiệp khi làm việc. Đồng thời, đưa quan hệ hài hòa lợi ích vật chất giữa NLĐ và người sử dụng lao động vào thỏa ước lao động.
Chính phủ rất quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, nhất là các thiết chế của công đoàn cho NLĐ. Chúng tôi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội dành một phần trong đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho NƠXH. Nếu chúng ta có một đồng hỗ trợ lãi suất, chúng ta có thể huy động được 10 đồng qua các ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu việc vẫn tồn tại nhiều loại hình kinh tế khó thống kê, dẫn tới việc NSLĐ thấp. Đồng thời cho rằng, để nâng cao NSLĐ cần quan tâm tới đào tạo nghề.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 Trần Quý Dân đề xuất làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục NLĐ. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ. Tìm giải pháp để nâng cao trình độ quản lý, khả năng tổ chức sản xuất. Chú trọng áp dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo và coi trọng công tác khen thưởng.
Đối với NLĐ, cần có tự trọng, cầu thị, chủ động học tập nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp. Tập trung sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên để đem lại năng suất lao động cao nhất.
Tránh nguy cơ lỡ nhịp đoàn tàu 4.0
Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Trần Quang Huy đề cao quyết tâm của Chính phủ trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nêu ra những nguy cơ lỡ nhịp đoàn tàu cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Từ đó, ông Huy đề xuất cần tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước trong hoạt động của các tổ chức công đoàn. Ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Quan tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Đối với câu hỏi, Chính phủ có định hướng chính sách và ứng dụng công nghệ như thế nào để giúp NLĐ thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, dù làm gì, chúng ta phải giữ được môi trường ổn định. Nâng cao cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý quản trị, tăng cường chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại diễn đàn
Về giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội, Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, Bộ đã hoàn thiện khung pháp lý để những người tham gia mạng xã hội phải chính danh. Đồng thời, xử lý nghiêm những sai phạm trên không gian mạng. Ông Hùng đề xuất mỗi khu công nghiệp nên có một fanpage để đưa thông tin chính thống của công đoàn. Đồng thời, NLĐ cần hiểu mạng xã hội và sử dụng đúng cách.
Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những câu hỏi và nội dung trả lời của các đại biểu. Thủ tướng bày tỏ: Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động và tự thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. “Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình, quyết tâm vượt qua khó khăn nhằm mang lại cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc cho người dân, trong đó có anh chị em công nhân, viên chức”- Thủ tướng nói.
Cho rằng không ai ngoài cuộc trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tất cả cùng chung tay hành động, trong đó lực lượng CNVCLĐ phải giữ vai trò tiên phong, nòng cốt. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. 

Hà Nội luôn quan tâm đến xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách

Tại diễn đàn, trả lời ý kiến của các đại biểu quan tâm về nhà ở xã hội (NƠXH) cho NLĐ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội luôn quan tâm đến xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách. 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên đầu tiên, hoàn thành xây dựng hơn 8.211 căn nhà cho người có công dịp 27/7/2017. Hiện, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ chính sách để xây nhà cho người nghèo và dự kiến hoàn thành vào dịp 17/10/2018. 

Theo kế hoạch Chính phủ giao, Hà Nội có trách nhiệm xây gần 6 triệu m2 sàn NƠXH cho cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên, công nhân. Trong đó, Hà Nội đang phối hợp với TLĐLĐVN để bố trí quỹ đất 20% giữ lại tại các khu đô thị để xây dựng nhà ở cho công nhân theo thiết chế của công đoàn. Chủ động trong vấn đề này, sau hơn 2 năm, Hà Nội đã hoàn thành hơn 8.000 nhà ở cho công nhân thuê với giá 29.000đ/m2/tháng; đã hoàn thành 181.000m2 NƠXH, trong đó có công nhân mua với giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Hiện, có 41 dự án NƠXH trên địa bàn TP đang thi công, dự kiến hoàn thành vào 2019 - 2020, nhằm có 3,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đối với 2,8 triệu m2 còn lại, TP sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà ở theo thiết chế công đoàn cho khối công nhân có thu nhập thấp. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - TB&XH, TLĐLĐVN, Hà Nội xây dựng kế hoạch lấy quỹ đất 20% trong các khu đô thị để xây dựng NƠXH có diện tích tối thiểu là 35m2, phấn đấu dưới 200 triệu đồng/căn và dự kiến đến giữa năm 2019 có thể bán cho công nhân thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Hà Nội phối hợp với TLĐLĐVN cố gắng khởi công xây dựng thiết chế công đoàn ở Quốc Oai, phục vụ công nhân Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc vào năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần