Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nhân khu công nghiệp được tìm hiểu rõ hơn về bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 7/5 tại Nhà văn hóa công nhân H4, xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã diễn ra buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến "Bầu cử - ngày hội lớn toàn dân”, do Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn các KCN&CX Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tới dự có Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú, cùng một số chuyên gia và sự có mặt của gần 200 công nhân các đơn vị thuộc Công đoàn KCN&CX Hà Nội.
 Sáng nay 7/5  tại Nhà văn hóa công nhân H4, xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã diễn ra buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến "Bầu cử - ngày hội lớn toàn dân”, do Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn các KCN&CX Hà Nội phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh buổi giao lưu.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mẫn Nhuệ-Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô khẳng định: Một mục đích của buổi giao lưu là đáp ứng nguyện vọng của công nhân lao động (CNLĐ) được gặp gỡ, trao đổi nhiều hơn với đại diện các tổ chức công đoàn và chuyên gia xoay quanh những vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến đánh giá cao cách làm sáng tạo của Báo trong việc gắn với lãnh đạo các cơ quan chức năng có chuyên môn, gắn với Hội Luật sư Hà Nội chọn nội dung tuyên truyền, thông qua hình thức hỏi-đáp cụ thể, để CNLĐ tiếp cận những nội dung quan trọng nhất, đảm bảo thực hiện tốt nhất quyền công dân của mình.

Tại buổi giao lưu, các chuyên gia giới thiệu cụ thể về công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cũng như trả lời nhiều câu hỏi của người lao động (NLĐ) trực tiếp đặt ra.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng-Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến ngày bầu cử chính thức. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn dân, không chỉ nhằm bầu ra cơ quan quyền lực ở các cấp chính quyền mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với cử tri. Vậy, cử tri chúng ta bỏ phiếu như thế nào để thực sự đảm bảo quyền của mình. Nên khi bầu cử, quan trọng nhất là chúng ta cần nhớ chúng ta bầu cho ai, và người đó phải đại diện cho chúng ta, được chúng ta tin tưởng.

Cũng theo ông Dũng, cần lưu ý hiện tượng bầu cử cảm tính, nghĩa là khi đi bỏ phiểu, cử tri chỉ tìm hiểu sơ sơ không nắm được thông tin, thì sẽ không bầu được chính xác. Nếu như vậy người tốt nhất hoặc người tốt hơn sẽ không được lựa chọn. Thứ hai là hiện tượng bầu thay, một người đi bầu cử cho cả nhà. Như thế, nếu chính quyền đó được bầu ra là không hợp pháp, không đạt yêu cầu. “Tôi mong các cử tri tự nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền công dân của mình. Mỗi lá phiếu chính xác góp phần mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh tương lai của đất nước”, ông Dũng nói.

Trước câu hỏi của một công nhân về việc “trong ngày bầu cử, nếu đúng ngày tôi vẫn phải đi làm, nếu tôi nghỉ làm để đi bầu cử tôi có bị trừ lương không?”, Luật sư Nguyễn Văn Hà-Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Ngày bầu cử là ngày chủ nhật, thời gian bầu cử từ 7h sáng-19h tối, do vậy hầu hết các cơ quan đơn vị đều được nghỉ làm, trừ DN nào đó vì lý do đặc biệt cần phải làm tăng ca. Tuy nhiên, không DN nào tổ chức cho công nhân làm cả ngày, vì thế, CNLĐ chỉ cần dành 15-20 phút để đi bầu cử sau khi kết thúc giờ làm việc.

Về một vấn đề được nhiều NLĐ quan tâm rằng, làm thế nào để biết ĐB nào xứng đáng, ĐB nào không nên bỏ phiếu, hay cứ theo trào lưu chung là “gạch bỏ người trẻ vì chưa có kinh nghiệm”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng khuyến cáo: Muốn bỏ phiếu cho ai thì cử tri nên tìm hiểu trước thông tin về ứng cử viên đó, nếu không chỉ là “bỏ phiếu mù”. Có thể tìm hiểu thông tin về ứng viên thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa ứng viên với cử tri, qua các phương tiện truyền thông hay bảng niêm yết danh sách cử tri tại nơi bỏ phiếu…

Sau hơn 2 giờ, nhiều câu hỏi của bạn đọc có mặt tại hội trường cũng như gửi email, điện thoại qua đường dây nóng đã được giải đáp thoả đáng. Bên cạnh đó, nhiều CNLĐ cũng trực tiếp nêu đề xuất, kiến nghị đối với tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng và ĐB được bầu lần này, nhằm chăm lo tốt hơn cho đời sống NLĐ.

Chị Phạm Thị Hợp-công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ: “Cử tri và xã hội đang rất bức xúc về tiền lương, thời gian làm việc, môi trường sống, môi trường làm việc…, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm trong đó có bữa ăn của công nhân. Tôi mong các ĐB sẽ được bầu cần chú trọng quan tâm đến đời sống NLĐ và an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng có quyết sách mạnh hơn để bảo vệ môi trường sống và làm việc cho người dân”.

Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: Những ngày qua, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bầu cử tới CNLĐ. Trong đó, ngoài phối hợp Sở Tư pháp Hà Nội, Công đoàn đã phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức 3 cuộc đối thoại-giao lưu trực tuyến có chủ đề về công tác bầu cử.

Sau mỗi buổi đối thoại, công nhân rất phấn khởi và tự tin để chuẩn bị cho ngày hội toàn dân sẽ diễn ra vào 22/5/2016. Từ nay đến ngày đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức thêm một buổi đối thoại, hướng dẫn, nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời những kiến thức cần thiết để CNLĐ hiểu và thực hiện bầu cử một cách dân chủ, đúng luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân.