Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020.
Chiến lược xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Hai Quyết định trên là hai bản kế hoạch dài hạn 10 năm lần đầu tiên về công tác dân tộc, thể hiện tính toàn diện, đồng bộ, ổn định và bền vững cho một giai đoạn phát triển của ngành, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, mục tiêu quan trọng hàng đầu hiện nay đối với việc thực hiện chiến lược này là sự phối hợp, phân công thực hiện cho được chiến lược trong khi thời gian chỉ còn 7 năm nữa. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt sự tham gia đồng thuận của bà con dân tộc và miền núi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiền đề cơ bản với các mục tiêu cụ thể đặt ra lúc này cho công tác phát triển miền núi và dân tộc là phát triển giáo dục, đào tạo và cán bộ. Sau đó là các mục tiêu khác như y tế, văn hoá, xoá đói giảm nghèo và cơ sở hạ tầng khác… Nhìn lại vùng dân tộc và miền núi những năm qua, chúng ta thấy kinh tế-xã hội vẫn còn chậm phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền còn hạn chế. Mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Công tác dân tộc nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều chính sách mang tình giải pháp tình thế, chưa mang tính chiến lược lâu dài, việc hoạch định chính sách dân tộc chưa bắt kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương thống nhất nhận thức công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 và triển khai lồng ghép các nhiệm vụ, góp phần đạt được các mục tiêu Chiến lược công tác Dân tộc đã đề ra.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc là đầu mối chủ trì, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; lồng ghép, thẩm tra các chính sách, định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Dân tộc xây dựng Kế hoạch trung hạn đối với chương trình hành động này. Trên cơ sở tổng hợp Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên cân đối nguồn lực, kinh phí trong kế hoạch công tác hàng năm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện… Kiên quyết không để những chiến lược, quyết định chỉ nằm trên giấy . Các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách cụ thể, các chương trình mục tiêu, tránh chồng chéo, bất cập trong quá trình thực hiện. Các địa phương có kế hoạch triển khai cụ thể đối với chiến lược này thực hiện tại địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tiền đề cơ bản cho công tác phát triển miền núi và dân tộc là phát triển giáo dục, đào tạo và cán bộ.
|