Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác dân vận phải hướng mạnh hơn về cơ sở

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại Hội nghị Sơ kết công tác MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức sáng 30/6.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng công tác dân vận vẫn phải hướng mạnh hơn nữa về cơ sở. “Hệ thống chính trị ở cơ sở có vững mạnh, hoạt động tốt thì mới tạo được tiền đề thực hiện các nhiệm vụ chính trị”, đồng chí nhấn mạnh. Muốn vậy, hệ thống dân vận phải đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu hệ thống dân vận tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 114 ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 534 của Thành ủy về “Tăng cường thực hiện công tác dân vận các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp giai đoạn 2016 - 2021”. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt công tác dự báo những diễn biến tư tưởng Nhân dân để kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề nổi cộm, những vấn đề dân sinh bức xúc, không để phát sinh điểm nóng.

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2017, công tác dân vận của hệ thống chính trị TP đã bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP. Hệ thống dân vận tiếp tục được củng cố, kiện toàn, có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp. Công tác dân vận của các cấp chính quyền TP có chuyển biến tích cực, tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị.
Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Ngoài 5 quy chế dân chủ ở cơ sở đã triển khai, nhiều địa phương còn xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ trong một số loại hình mới, như: Quận Long Biên xây dựng quy chế dân chủ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; huyện Gia Lâm xây dựng quy chế dân chủ trong công tác duy trì vệ sinh môi trường…Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả tốt tại các địa phương, đơn vị như: Mô hình “Vận động hội viên Hội Nông dân tham gia nhóm sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” tại huyện Gia Lâm, mô hình “Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3” tại quận Hà Đông, mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính tại Công an quận Cầu Giấy...

Trong 6 tháng đầu năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 4.263 cuộc giám sát; 874 hội nghị phản biện xã hội; tổ chức tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức 432 hội nghị đối thoại với Nhân dân. Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 2.821 cuộc, đề nghị thu hồi 11.653m2 đất và 72,9 triệu đồng. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể đã góp ý cho các cấp ủy đảng, chính quyền, giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.