Dù Formosa đã thực hiện trách nhiệm bồi thường về sự cố do mình gây ra, nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường trong vụ việc này vẫn chưa được trả lời rõ ràng. Luật đã quy định rõ Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận xét, kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế cho thấy, thảm họa Formosa đã đi qua nhưng đến nay vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề, khó khắc phục. Cụ thể, một số khu vực biển khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích còn cao, khó có khả năng phân tán, cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát; hệ sinh thái san hô, cỏ biển cũng như nguồn lợi thủy sản bị suy thoái nặng nề, mới chỉ đang hồi phục; hàm lượng các chất ô nhiễm trong hải sản vẫn còn dư…
Phía chuyên gia nước ngoài cho rằng, tới đây cần gửi mẫu hải sản và mẫu nước ra nước ngoài để có kết quả đối chứng. Như vậy, vấn đề người dân quan tâm về hải sản và môi trường biển đã thực sự an toàn chưa, hiện nay chưa giải quyết được. Sự mất an toàn của hải sản và môi trường biển kéo theo hệ lụy các dịch vụ du lịch biển, đời sống dân sinh, việc làm của người dân trong suốt 4 tháng qua, đến nay chưa khắc phục, trách nhiệm ấy trước tiên thuộc về DN trực tiếp gây ra thảm họa, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân được giao trọng trách thực hiện chức năng quản lý Nhà nước có liên quan. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và trách nhiệm của cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo Điều 27 Luật BVMT quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan phê duyệt ĐTM, theo đó, đối với dự án Formosa chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt ĐTM kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, khoản 4 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT cũng buộc chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan phê duyệt ĐTM về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất 10 ngày làm việc. Như vậy, sau khi Formosa có các thông báo và báo cáo về kế hoạch vận hành thử nghiệm gửi Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh thì các đơn vị đã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường ra sao, cho phép hay không cho phép Formosa về kế hoạch vận hành thử nghiệm? Thảm họa xảy ra chỉ mới đang trong giai đoạn dự án Formosa vận hành thử nghiệm, chưa đi vào vận hành nên trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường là đặc biệt quan trọng. Luật không có “lỗ hổng”, chỉ có công tác kiểm tra, giám sát có “lỗ hổng”. Trách nhiệm thuộc về ai? Luật sư Nguyễn Văn Chiến đặt vấn đề, pháp luật BVMT quy định đầy đủ, rõ ràng, sao thảm họa môi trường vẫn xảy ra, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Tại điểm đ khoản 8 Điều 2 Quyết định 25/2014/QĐ-TTg ngày 25/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN&MT) có nêu: Tổng cục Môi trường phải tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp BVMT trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm các dự án. Như vậy, pháp luật quy định đã rõ. Điều này được hiểu, một dự án muốn vận hành thử nghiệm phải chịu sự giám sát của Tổng cục Môi trường về các biện pháp BVMT, không phải pháp luật bỏ sót để chủ đầu tư muốn thử gì cũng được. Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, dự án Formosa đã gây ra sự cố môi trường ngay trong thời gian vận hành thử nghiệm. Đây là bài học đắt giá đối với chúng ta trong giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước nhưng phải bảo đảm tính bền vững của môi trường. Hậu quả môi trường không dễ dàng đo đếm nên số tiền bồi thường dù lớn đến đâu cũng không bù đắp được một môi trường biển yên bình và trong sạch như trước khi xảy ra thảm họa. Cả nước vẫn đang chờ những biện pháp khắc phục hậu quả, bù đắp thiệt hại và giải pháp nào để người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường sớm ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì gây ra thảm họa cá chết ven biển miền Trung. Ảnh: TTXVN |