Để nâng cao hiệu quả, chất lượng PBGDPL thì một trong những vấn đề quan trọng là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Cầu nối chuyển tải chính sách pháp luật Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước hiện có 21.719 báo cáo viên pháp luật. Trong đó, 1.162 báo cáo viên pháp luật cấp T.Ư, 5.704 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 14.853 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 134.354 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ cán bộ pháp chế làm công tác PBGDPL ở các bộ, ngành, địa phương được củng cố, kiện toàn theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ với hơn 1.500 người. Số lượng đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ngày càng được mở rộng, với chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được cải thiện. Đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng, là cầu nối để chuyển tải chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân.
Tại Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức 28 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Bộ luật Dân sự 2015... cho hơn 7.000 người tham dự; biên soạn và phát hành 576.550 tài liệu hỏi - đáp pháp luật. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND TP giao Sở Tư pháp phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 10 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm, toàn TP tiếp nhận hòa giải 4.082 vụ việc; đã hòa giải thành 3.175 vụ việc, đạt tỷ lệ 77,8%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL vẫn còn nhiều hạn chế về mặt kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các hoạt động tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng mặc dù được tổ chức thường xuyên nhưng nội dung, hình thức tổ chức còn thiếu đa dạng, phong phú, chưa sát với nhu cầu thực tế. Vì vậy, chưa phát huy hiệu quả tối đa trong việc nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này. Tại Hà Nội, theo UBND TP, đội ngũ làm công tác PBGDPL ở cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Nguồn kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương còn khó khăn. Đồng bộ các giải pháp Theo Dự thảo chương trình PBGDPL từ năm 2016 - 2021 do Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Theo đó, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn, có trình độ cao, nghiệp vụ PBGDPL giỏi, chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ PBGDPL; tập trung thực hiện hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước về công tác PBGDPL. Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tham gia PBGDPL tại cơ sở. Bên cạnh đó, huy động các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác PBGDPL. Khuyến khích đội ngũ này thực hiện PBGDPL miễn phí cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, xây dựng quy hoạch cán bộ có ngoại ngữ, biết tiếng dân tộc, người dân tộc thiểu số tạo nguồn cán bộ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ PBGDPL cho lực lượng làm công tác PBGDPL tại vùng miền núi, dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam với kế hoạch và chính sách đặc thù; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực PBGDPL. Đặc biệt, cần đổi mới nội dung và hình thức, đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL, huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia công tác này.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San |