Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Có xu hướng giảm rõ rệt

Công Tâm - Thái Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) do Chính phủ tổ chức chiều 7/10.

Dự và chỉ đạo tại hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai và đại diện các bộ, ngành, tỉnh, TP trên toàn quốc.

Điều tra 197 vụ với 183 người

Tại hội nghị, ông Phan Văn Sáu cho biết, từ năm 2012 đến nay, tình hình KNTC của công dân có xu hướng giảm so với giai đoạn 2008 - 2011. Điều này được thể hiện trên các chỉ tiêu như: số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước để KNTC, phản ánh giảm 4,3%; số đơn KNTC giảm 54,6%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 39,3%.

Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt số đoàn đông người tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6% so với giai đoạn 2008 - 2011. Các vụ việc KNTC có tính chất phức tạp, bức xúc chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ GPMB, thu hồi đất thực hiện các dự án (DA).

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến KNTC, ông Phan Văn Sáu cho biết, do một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại. Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC còn có những hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC hiệu quả còn thấp.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 1.503.607 lượt người đến KNTC với 778.703 vụ việc (giảm 6,3%). Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 305.847 đơn KNTC (giảm 54,6% so với giai đoạn 2008 - 2011) với 231.186 vụ việc (giảm 53,3%), có 200.129 vụ việc thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết KNTC đã thu về cho Nhà nước gần 373,9 tỷ đồng, 274 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 11.618 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418,6 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.072 người; chuyển cơ quan điều tra 197 vụ với 183 người.

Các cấp, ngành cùng vào cuộc

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, mặc dù tình hình KNTC về đất đai có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn và tiềm ẩn phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đông người, khiếu kiện gay gắt ở các cơ quan T.Ư tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các vụ KNTC đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện DA và tập trung vào giá bồi thường thấp, người dân mất hết đất sản xuất mà không chuyển đổi được nghề nghiệp, tạo được việc làm mới.

Đồng thời, phần lớn các vụ khiếu nại đông người, có tính chất phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước và đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, cũng có vụ đã giải quyết nhiều lần, đảm bảo đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Theo thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, số đơn khiếu nại hành chính về đất đai chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70% so với tổng số đơn).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, KNTC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Người dân đòi lại nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991; mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP; tranh chấp trong hoạt động mua bán, quản lý sử dụng nhà chung cư; quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt…

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, các vụ việc thường có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau như: quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật tố tụng, quan hệ pháp luật dân sự… Đa số người dân không hiểu pháp luật một cách đầy đủ, thậm chí có người cho rằng khi quyền lợi bị xâm phạm thì sẽ khiếu kiện đến cùng, kể cả trường hợp hết thời hạn, thời hiệu khởi kiện.

Việc giải quyết KNTC của người dân đang có nhiều diễn biến phức tạp cần sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước và nếu có sự tham gia của đội ngũ luật sư với tư cách là một chủ thể độc lập sẽ hỗ trợ pháp lý cho người dân. Qua đó, sẽ giảm dần tình trạng KNTC không đúng pháp luật. Từ đó, ông Thịnh khẳng định, Liên đoàn Luật sư sẵn sàng tập hợp đội ngũ luật sư tham gia vào tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân để góp phần vào công tác giải quyết KNTC. Việc làm này vừa để giúp người dân và vừa giúp được cho Nhà nước.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 4 năm qua, TP Hà Nội tiếp hơn 133.000 đoàn công dân đến KNTC, xử lý hơn 110.000 đơn (trong đó có 69% KNTC về đất đai). Cũng trong thời gian qua, công tác tiếp dân đã được TP Hà Nội quan tâm từ việc tiếp định kỳ đến tiếp đột xuất.

Đồng thời, TP Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện… giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở nên đơn thư vượt cấp đã giảm.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời phối hợp xử lý các vụ việc ngay từ ban đầu. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật cho người dân hiểu, nhất là về Luật đất đai. Đồng thời, cần nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác tiếp công dân…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Dành thời gian thỏa đáng tiếp dân, giải quyết KNTC và đối thoại với Nhân dân. Thực hiện tốt Luật Đất đai để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi thu hồi đất thực hiện các DA phát triển kinh tế - xã hội.

Quan tâm giải quyết KNTC, đặc biệt là các vụ khiếu kiện đông người và tồn đọng, kéo dài. Khi có cuộc KNTC đông người, chủ tịch UBND địa phương phải trực tiếp gặp gỡ để giải quyết; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gần dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Tạo điều kiện cho Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội giám sát công tác giải quyết KNTC...