Đập thủy điện sông Tranh 2.Ảnh: Anh Tú
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát nhiều dự án thủy điện, tuy nhiên vẫn còn một số công trình đến khi vận hành thử mới nảy sinh sự cố như thủy điện Đắkrông, sông Tranh 2. Phải chăng công tác quy hoạch có vấn đề?
- Tôi nghĩ, quy hoạch thủy điện được làm rất chặt chẽ từ địa phương, đến T.Ư. Hiện phân thành hai loại: Quy hoạch với các dòng sông lớn do Bộ Công Thương làm; Quy hoạch các thủy điện nhỏ do UBND các địa phương lập quy hoạch, phê duyệt. Với quy hoạch các thủy điện ở 10 dòng sông lớn đã có 45 dự án đi vào hoạt động, còn 34 dự án nữa đang triển khai thi công, các dự án khác đang tiếp tục nghiên cứu. Các công ty tư vấn đã phải tính đến tất cả các khía cạnh như tác động môi trường, rồi đánh giá về động đất, đứt gãy… Những dự án thủy điện vừa qua, các công ty tư vấn đều là công ty hàng đầu cả nước. Trong quá trình làm, còn có các hệ thống giám sát, từ giám sát thi công, giám sát thiết kế… Với các dự án nhỏ, việc giám sát cũng do các sở, ngành thực hiện.
Vậy, quan điểm của ông như thế nào trước sự cố đang xảy ra ở thủy điện sông Tranh 2?
- Thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào kiểm tra, thuê cả tư vấn chuyên gia nước ngoài. Qua đánh giá cho thấy có 2 việc: Thứ nhất, về sự cố thấm, cơ bản đã xử lý được 99%. Còn ổn định đập, chất lượng đập đã thuê tư vấn nước ngoài khoan, lấy mẫu, lõi đập đánh giá sự ổn định, họ đều đánh giá các tiêu chuẩn về thiết kế là đảm bảo, các số liệu ổn định, kể cả số liệu về động đất. Tuy vậy, trước tình hình liên tiếp xảy ra động đất kích thích thời gian qua, Chính phủ đã quyết định chưa cho tích nước mà tiếp tục theo dõi xem phản ứng của động đất kích thích với hồ chứa như thế nào. Đồng thời, giao cho Viện Vật lý địa cầu lắp các trạm địa chấn để theo dõi. Mời cả chuyên gia nước ngoài tham gia để đánh giá các vết nứt, gãy… Quan điểm của Chính phủ là phải đặt an toàn lên trên hết, dù các kết quả giám định cho đến nay đều đánh giá tốt nhưng động đất vẫn đang xảy ra, vẫn phải theo dõi, thận trọng, chưa cho đưa vào sử dụng.
Trước khi có công trình này, cả trăm năm chỉ xảy ra 8 vụ động đất, nhưng trong vòng một năm trở lại đây, đã có 66 vụ động đất liên tục. Trong công tác khảo sát trước khi thi công có lường trước được tình trạng này không, thưa ông?
- Đúng là trong tính toán không ai lường trước được. Với một hồ chứa khi tích nước có khả năng xảy ra động đất hay không, còn phụ thuộc nhiều vào địa chất ở khu vực đó, nên không thể khẳng định, nếu công trình này được xây, sẽ xảy ra động đất kích thích. Vì vậy, bây giờ phải theo dõi, đánh giá, nếu động đất kích thích vượt mức cực đại, vượt qua tiêu chuẩn mà nhà thầu thiết kế thì phải xem xét một cách nghiêm chỉnh, công trình không thể đưa vào sử dụng được.
Hiện có những công trình đã đầu tư, nếu trong quá trình nhà máy đó chuẩn bị được đưa vào vận hành lại gây ra tác động môi trường rất lớn, thì có nên quyết liệt đình chỉ dự án đó như các nước đã làm hay không?
- Vấn đề thiếu nước nghiêm trọng ở các vùng hạ du Đà Nẵng khi xây dựng thủy điện Bắc Trà My 3, 4 đã có các bộ, ngành vào xử lý vấn đề xả nước tối thiểu xuống hạ du rồi. Tôi nói những công trình đã xây dựng xong, nhưng sau này thấy có tác động về môi trường hay xã hội lớn, trước hết phải xem có giải pháp gì để khắc phục tình trạng đó không. Nếu tất cả các giải pháp được thực hiện mà vẫn không khắc phục được, bắt buộc phải đình chỉ công trình, vì bảo vệ môi trường và đời sống người dân là ưu tiên số một. Việc này chúng ta đã làm, nhiều công trình thậm chí vận hành đã nhiều năm, khi mới xây dựng xung quanh còn chưa có dân, xây dựng xong dân mới đến sống, sau đó dân kêu ô nhiễm thì vẫn phải dời công trình đấy. Thủy điện cũng không ngoại lệ.
Xin cảm ơn ông!